Cập nhật: 15/01/2025 08:34:00
Xem cỡ chữ

Nhiều địa phương ở Quảng Ngãi đã chú trọng khai thác hiệu quả nghệ thuật dân ca Bài chòi vào du lịch, biến loại hình này thành “đặc sản” thu hút du khách cả trong và ngoài nước.

Thời gian gần đây, du lịch Quảng Ngãi không chỉ được nhắc tới với những địa danh: đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khuê, bãi dừa Tư Nghĩa… mà còn có Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) - điểm du lịch hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự nguyên vẹn trong di sản văn hóa của một ngôi làng đã có hàng trăm năm lịch sử, Làng Gò Cỏ còn hấp dẫn kéo du khách bởi một loại "đặc sản" vô vùng hấp dẫn: Dân ca Bài chòi.

Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố Gò Cỏ phục vụ du khách.

Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố Gò Cỏ phục vụ du khách.

Chị Huỳnh Thị Thương, nghệ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ cho biết, câu lạc bộ Bài chòi - hát hố Gò Cỏ được thành lập vào năm 2020 với 21 thành viên. Ngôi nhà chung này kết nối các thành viên lại, tạo cảm hứng và lưu giữ nét đẹp văn hóa của địa phương. Để phục vụ du khách tốt hơn, các thành viên tự sáng tác các ca khúc mang nội dung mới hơn, có ý nghĩa thực tế trong cuộc sống hiện tại từ sản xuất, làm du lịch đến truyện kể dân gian.

“Những bài hát, lời Bài chòi do cha ông để lại tôi đều thuộc lòng. Tuy nhiên, muốn kết hợp nghệ thuật này với du lịch, chúng tôi phải thay đổi tư duy, sáng tác ra những bài hát mới theo xu hướng hiện đại, gần gũi để mọi người dễ hiểu, phù hợp với cuộc sống hiện đại”, chị Thương chia sẻ.

Dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng tình yêu với Bài chòi vẫn luôn cháy trong trái tim của người dân Gò Cỏ. Họ cùng nhau gây dựng phong trào văn nghệ, biểu diễn, sáng tác Bài chòi... để phục vụ dân làng và du khách.

Du khách hào hứng tham gia bài chòi.

Du khách hào hứng tham gia bài chòi.

Lần đầu đến với làng Gò Cỏ, chị Nguyễn Thị Thủy, du khách đến từ Hà Nội đã rất ấn tượng với không gian, cảnh quan của làng. Đặc biệt, chị rất ấn tượng với phần tham gia Bài chòi, các nghệ nhân hô hát tạo nên không khí vui vẻ nhưng cũng đậm chất văn hóa nghệ thuật.

“Chắc chắn có dịp tôi sẽ quay lại làng Gò Cỏ để chơi Bài chòi một lần nữa”, chị Thủy bày tỏ.

Không chỉ tại làng Gò Cỏ, tại khu du lịch sinh thái Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), các đội Bài chòi thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng này làm phong phú thêm sản phẩm du lịch tại bàu Cá Cái.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Không gian ở đây thật đẹp, hoang sơ, bình yên. Thú vị hơn cả là được ngồi lên xuồng nhỏ, trôi theo dòng nước hữu tình và được nghe các nghệ nhân hô hát bài chòi”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, địa phương đang triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi. Qua đó, tập trung phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát Bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch. Việc đưa Bài chòi vào khai thác phục vụ du khách là cần thiết, nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần cải thiện kinh tế - xã hội ở địa phương.

Quảng Ngãi tập trung phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát Bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch.

Quảng Ngãi tập trung phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát Bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch.

Theo ông Dũng, với đề án này, Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% di sản văn hóa nghệ thuật Bài chòi được sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại; xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại 1 điểm du lịch. Đồng thời, phục dựng thí điểm một điểm trò chơi dân gian hô Bài chòi tại TP Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì trung tâm Bài chòi đã thành lập, 100% các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và hải đảo thành lập câu lạc bộ Bài chòi trực thuộc cấp huyện… Định hướng đến năm 2030, nhân rộng mô hình tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ Nhân dân và khách du lịch tại các điểm du lịch khu vực đồng bằng, hải đảo, phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô Bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, phấn đấu có 50% các xã, phường, thị trấn đồng bằng và hải đảo thành lập các câu lạc bộ Bài chòi cấp xã.

Theo baophapluat.vn

https://baophapluat.vn/nghe-thuat-dan-ca-bai-choi-thanh-dac-san-du-lich-quang-ngai-post537218.html