Chủ yếu được bán từ tối đến đêm để phát huy tác dụng, món đặc sản sền sệt, có vị đắng lạ này được cả người bản địa và khách thập phương ưa chuộng khi du lịch Hà Giang.
TP Hà Giang là 1 trong những điểm dừng chân yêu thích của đông đảo du khách khi có dịp khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Tại đây, khách du lịch có thể tìm và thưởng thức 1 món ăn độc đáo của người bản địa, được ví như “đặc sản không nên bỏ lỡ” khi đến Hà Giang. Đó là cháo ấu tẩu.
Cháo ấu tẩu được chế biến từ loại củ cùng tên với gạo tẻ và chân giò lợn. Ảnh: Phan Thị Kim Thủy
Đúng như tên gọi, món cháo này được nấu từ củ ấu tẩu (hay còn gọi là ô đầu, phụ tử). Loại củ này thường có ở các tỉnh phía Bắc, chủ yếu mọc ở vùng núi cao, khí hậu lạnh.
Theo y học, ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng nên thường được dùng để chữa bệnh như làm rượu xoa bóp chân, chữa đau nhức hoặc giải cảm,...
Tuy nhiên, củ ấu tẩu rất độc, được xếp vào danh mục thuốc độc bảng A nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi bào chế cẩn thận.
Củ ấu tẩu có độc tính rất cao nếu ăn trực tiếp có thể gây tử vong. Tuy nhiên, khi được chế biến đúng cách, đây lại là nguyên liệu giúp món cháo trở nên bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm đau, chống viêm, kích thích tuần hoàn…
Chị Thanh Hoa – chủ một quán ăn đêm ở TP Hà Giang cho biết, củ ấu tẩu phải nấu đủ thời gian ở nhiệt độ cao thì mới loại bỏ được độc tính.
Ngoài ra, để món cháo ấu tẩu đạt hương vị thơm ngon cũng đòi hỏi quy trình chế biến kỳ công và người đầu bếp phải có nhiều kinh nghiệm xử lý.
Củ ấu tẩu mua về đem lột vỏ, ngâm với nước gạo một đêm rồi rửa sạch, ninh trong nhiều giờ đồng hồ cho đến khi mềm, bở tơi ra. Sau đó tán nhuyễn thành hỗn hợp sền sệt, đặc sánh rồi cho vào nấu tiếp cùng gạo tẻ ngon và nước hầm xương chân giò.
Để cháo nhừ và sánh nhuyễn, người ta đun cháo chừng 2-3 tiếng trên lửa nhỏ liu riu.
“Muốn cháo đặc sánh và thơm hơn, đầu bếp có thể cho thêm tí gạo nếp.
Trong quá trình nấu, để biết cháo đã ăn được hay chưa, đầu bếp sẽ nếm thử một lượng nhỏ, nếu thấy đầu lưỡi hơi tê tê nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, cần phải đun tiếp. Chỉ khi không còn thấy tê đầu lưỡi tức là cháo đã chín, có thể thưởng thức”, chị Hoa chia sẻ.
Để tăng hương vị và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, người địa phương còn nấu cháo ấu tẩu cùng một số nguyên liệu quen thuộc như trứng gà, tim cật, thịt băm…
Sau khi nấu, cháo ấu tẩu có màu nâu sậm, thoạt nhìn khá giống món cháo lòng miền xuôi. Khi ăn, thực khách cho thêm hành lá, tía tô tùy ý.
Chị Hoa cho hay, nếu có dịp đến Hà Giang, du khách có thể tìm và thưởng thức cháo ấu tẩu ở trung tâm thành phố hay tại các huyện, thị trấn như Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn.
Món cháo này có quanh năm nhưng thường chỉ bán vào buổi tối cho đến khuya vì theo quan niệm của người địa phương, công dụng của củ ấu tẩu sẽ được phát huy nhất vào giấc ngủ đêm.
“Những người trung tuổi ăn cháo ấu tẩu để cải thiện sức khỏe, bồi bổ xương cốt. Còn với du khách đường xa, người buôn bán tứ xứ lại coi món ăn này như liều thuốc quý giúp giảm cảm giác mệt nhọc, lấy lại giấc ngủ sâu”, nữ chủ quán bày tỏ.
Mỗi bát cháo ấu tẩu có giá dao động 30.000 – 40.000 đồng. Ảnh: Thạch Phạm
Chị Nguyễn Hồng Thu Trang (ở Hà Nội) từng nếm thử cháo ấu tẩu Hà Giang và nhận xét, món ăn có vị đắng, hơi ngai ngái như củ tam thất.
Với người ăn lần đầu không tránh khỏi tâm lý dè chừng nhưng quen rồi lại thấy mê, cảm nhận được vị ngọt hậu của món cháo trứ danh vùng cao nguyên đá.
“Nếu ăn quen, thực khách sẽ cảm nhận được cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu dẻo bùi, quyện với vị ngọt thanh của nước xương ninh rất hấp dẫn”, chị Trang chia sẻ.
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dac-san-ha-giang-co-vi-dang-la-khach-thuong-thuc-ve-dem-de-cai-thien-suc-khoe-2362607.html