Táo bón sau sinh là vấn đề thường gặp, tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của bà mẹ sau sinh.
Nguyên nhân gây táo bón sau sinh
Do thay đổi hormone
Sau sinh sự thay đổi hormone đột ngột sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đường ruột, làm chậm quá trình tiêu hóa.
Ít vận động
Sau sinh thì bà mẹ thường nằm nghỉ ngơi nhiều, điều này sẽ làm giảm nhu động ruột và tăng nguy cơ táo bón.
Do chế độ ăn uống thiếu chất xơ
Mẹ thường tập trung vào các món ăn lợi sữa, nhưng ít chú ý đến thực phẩm giàu chất xơ, dẫn đến tình trạng táo bón.
Thiếu nước
Việc không uống đủ nước khiến phân trở nên cứng và khó đào thải.
Tâm lý căng thẳng
Căng thẳng và lo lắng trong việc chăm sóc con cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Những tháng cuối thai kỳ tử cung sẽ to lên, chèn ép vào trực tràng nên dễ gây tình trạng táo bón.
Táo bón sau sinh là vấn đề thường gặp.
Điều trị táo bón sau sinh
Trường hợp sau khi sinh bà mẹ mới bị táo bón thì việc thay đổi chế độ sinh hoạt để điều trị táo bón là rất cần thiết.
Sau sinh thì việc ăn các loại thức ăn lợi sữa là rất quan trọng. Bên cạnh đó, bà mẹ sau sinh cần bổ sung đầy đủ các loại rau, hoa quả tươi vào thực đơn hàng ngày. Táo bón xảy ra là do chế độ ăn thiếu chất xơ và nước.
Chất xơ giúp kích thích sự phát triển của các loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, các vi khuẩn này sẽ kích thích nhu động ruột tiết acid lactic kéo nước vào trong ruột làm mềm phân. Mặc dù chất xơ là phần không tiêu hóa, xong khi ở trong ruột nó sẽ hút nước và trương nở, tạo khối phân giúp thải khối phân ra ngoài cơ thể.
Sữa chua có chứa probiotic giúp kích thích hệ tiêu hóa. Bổ sung các loại hoa quả giúp nhuận tràng như: Chuối chín, táo, lê, cam, bưởi... cũng có tác dụng nhuận tràng.
Các bà mẹ sau sinh cũng nên hạn chế các loại thức ăn nhiều gia vị cay nóng, khó tiêu như hạt tiêu, ớt, gừng, đồ chiên rán, dầu mỡ…
Khi ăn cần ăn đúng giờ, nên chia nhỏ bữa ăn và ăn các loại thức ăn lỏng, không ăn các loại thức ăn rắn, khó tiêu. Có thể bổ sung một cốc sữa chua giúp cải thiện đáng kể vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Uống nhiều nước và giữ cho tinh thần thoải mái, vì stress cũng là một lý do ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây nên tình trạng táo bón. Bổ sung 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Nước có thể bổ sung ở nhiều dạng như: Nước hoa quả, nước trong thức ăn, nước canh, nước lọc...
Tập thể dục nhẹ nhàng
Bà mẹ sau sinh không nên kiêng khem quá kỹ, nếu cơ thể khỏe mạnh bình thường thì sau sinh mẹ nên đi lại, tập thể dục nhẹ nhàng chứ không nên nằm lâu một chỗ. Tập thể dục không chỉ có tác dụng nâng cao sức khỏe mà còn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Khi mẹ tập luyện đều đặn, máu sẽ tăng cường lưu thông, các cơn co thắt của thành ruột cũng tăng lên giúp cho việc di chuyển của các chất trong ruột cũng được dễ dàng hơn.
Thay đổi thói quen đi vệ sinh
Đi vệ sinh đúng giờ là một việc làm giúp các bà mẹ sau sinh tránh tình trạng táo bón. Cũng tuyệt đối không được nhịn đại tiện. Khi nhịn đi đại tiện sẽ làm tăng áp lực lên đại tràng, lâu dần sẽ làm mất cảm giác mót rặn. Ngoài ra, bỏ thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh, bởi ngồi lâu gây áp lực lớn lên các tĩnh mạch gây trĩ và táo bón.
Nghỉ ngơi thư giãn
Bà mẹ sau sinh cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều sau khi vượt cạn khó khăn cũng sẽ giúp các mẹ nhanh hồi phục sức khỏe và không bị táo bón. Việc các mẹ thường xuyên lo lắng, căng thẳng quá mức cũng gây nên tình trạng táo bón và các vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, mẹ nên dành thời gian thư giãn cho bản thân bằng nhiều cách như nghe nhạc, vận động nhẹ nhàng...
Trường hợp mẹ bị táo bón quá nặng mà không chữa được bằng những phương pháp điều trị không dùng thuốc thì khi đó mẹ cần đi khám để có được sự tư vấn hợp lý nhất của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
Bà mẹ sau sinh cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc, bởi thuốc sẽ bài tiết qua sữa mẹ. Khi trẻ bú phải nguồn sữa vẫn chưa đào thải hết lượng thuốc ra ngoài, trẻ vô tình trở thành người dùng thuốc bị động, gây nên những ảnh hưởng không tốt.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/cach-tri-tao-bon-sau-sinh-169250114201816092.htm