Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, ông Simon Stiell, ngày 6/2 cho biết bất chấp việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, những nước khác vẫn cam kết thực hiện kế hoạch khí hậu quốc gia và đang tìm cách dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Phát biểu tại một trường đại học ở thủ đô của Brazil, ông Stiell cho biết những quốc gia khác đã thế vào vị trí mà Mỹ bỏ trống để nắm bắt cơ hội và gặt hái những lợi ích như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, nhiều việc làm hơn, ít ô nhiễm hơn và năng lượng an toàn hơn.
Quang cảnh nhà máy điện mặt trời ở thị trấn Naomaohu, thành phố Hami, Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo người đứng đầu lĩnh vực khí hậu của LHQ, quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch là xu hướng không thể đảo ngược, vì mỗi quốc gia đều nhận thấy lợi ích to lớn từ cơ hội kinh tế mà quá trình này mang lại. Ông Stiell cũng thừa nhận tình trạng nóng lên toàn cầu đang "ở mức nguy hiểm", nhưng đã có tiến triển thực sự kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mang tính bước ngoặt ra đời vào năm 2015. Nhằm tìm cách củng cố sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, ông Stiell kêu gọi: "Chúng ta đã đi đúng hướng. Chúng ta chỉ cần triển khai, triển khai nhiều hơn và nhanh hơn".
Tuy vậy, ông Stiell cũng thừa nhận nhiều quốc gia sẽ “lỡ hẹn” với thời hạn vào ngày 10/2 để nộp kế hoạch về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu tới năm 2035, song vẫn có thời gian đến tháng 9 để hoàn thiện lộ trình cắt giảm phát thải một cách toàn diện và tối ưu.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại tại thủ đô Baku của Azerbaijan năm ngoái, gần 200 quốc gia nhất trí với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035. Quan chức của LHQ kêu gọi các quốc gia tăng số tiền tài trợ khí hậu mà họ đã cam kết tại COP29.
Tính đến thời điểm này, thế giới đã huy động được khoảng 2.000 tỷ USD tài chính để hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia nghèo hơn nhằm giảm phát thải và thích ứng với tác động của khí hậu. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế ước tính là 1.300 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển bởi nhiều nước trong số đó đang phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ. Vì vậy, ông Stiell cho biết trọng tâm của COP30 tổ chức tại Brazil trong năm nay sẽ là tìm kiếm các nguồn tài trợ khác để bổ sung cho nhu cầu nói trên.
Những thông điệp trên được đưa ra trong bối cảnh có thêm những chỉ số cho thấy tình trạng đáng báo động về tác động mà biến đổi khí hậu gây ra. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, tháng 1/2025 đã chính thức trở thành tháng 1 nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức tăng đáng lo ngại, cho thấy Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh chóng, chủ yếu do lượng khí thải nhà kính do con người gây ra.
Theo Nguyễn Viễn (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/lhq-keu-goi-hanh-dong-khi-hau-vi-loi-ich-quoc-gia-20250207155422303.htm