Cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cho rằng một trong những cách thức đối phó hiệu quả hiện nay là cần tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia vào các hiệp định thương mại lớn.

Ôtô đỗ tại cảng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Trước những tác động lớn từ làn sóng thuế quan cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, cho rằng một trong những cách thức đối phó hiệu quả hiện nay là cần tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia vào các hiệp định thương mại lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap, ông Yeo Han-koo nhấn mạnh hợp tác trong những vấn đề thương mại lớn cùng với các đối tác như Nhật Bản có thể là lựa chọn khả thi cho Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Vị chuyên gia này cho rằng thuế quan là một phần trong chiến lược của Tổng thống Trump nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại và thu hút đầu tư vào Mỹ.
Để cải thiện cán cân thương mại, Mỹ đang gia tăng sức ép lên các đối tác bằng việc áp các mức thuế quan cao, nhưng mức thuế này là “có thể thương lượng được” nếu như Washington nhận được đủ nhượng bộ cần thiết.
Trước đó, Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã vô cùng bất ngờ trước mức thuế đối ứng cao hơn nhiều so với dự kiến được Tổng thống Trump đưa ra hôm 2/4.
Cụ thể, Mỹ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ từ ngày 5/4, đồng thời áp thuế đối ứng tùy cao theo từng đối tác thương mại, có hiệu lực từ ngày 9/4.
Theo danh sách này, Hàn Quốc chịu mức thuế đối ứng 25%. Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ ngày3/4, được cho là sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp ôtô của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, thuế đối với chất bán dẫn, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), cũng sẽ sớm được Mỹ công bố.
Trước những diễn biến trên, cựu Bộ trưởng Yeo đề xuất Hàn Quốc nên dẫn đầu một liên minh khu vực, gồm cả Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), để tham gia dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Alaska của Mỹ, một trong những chương trình nghị sự quan trọng của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo ông, việc tham gia dự án có tổng trị giá ước tính 44 tỷ USD này có thể được coi xem như “quân bài mặc cả nặng ký" của Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, bởi tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Alaska sẽ giúp giảm đáng kể thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ.
Ngoài ra, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cũng lưu ý rằng cả Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang quan tâm đến dự án LNG khổng lồ của Mỹ.
Dự án bao gồm việc xây dựng tuyến đường ống xuyên Alaska để xuất khẩu khí đốt sang châu Á. Đây là dự án kinh tế rất lớn nên ông Yeo cho rằng phương án thành lập liên minh cùng tham gia sẽ khả thi hơn so với việc từng bên ở châu Á tự đứng ra thực hiện.
“Đây là dự án không dễ thực hiện về mặt kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, thay vì mỗi bên tự thực hiện thì các bên có thể hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch và tham gia cùng với Mỹ,” ông nói.
Bên cạnh đó, cựu Bộ trưởng Yeo Han-koo cũng đề xuất Hàn Quốc nên tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản và một số đối tác khác trong khu vực để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thuế quan.
Ông khuyến nghị Hàn Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn đã có 11 bên tham gia, trong đó có Nhật Bản, Anh, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico và Việt Nam…/.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/day-manh-hop-tac-quoc-te-giai-phap-doi-pho-chinh-sach-thue-quan-cua-my-post1025223.vnp