Với hơn 110 tỷ yên (tương đương 760 triệu USD) đầu tư từ chính phủ, cùng hàng tỷ USD từ các nhà tài trợ tư nhân và doanh nghiệp, Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực điều trị bằng tế bào gốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Theo tờ Nature, Nhật Bản đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng y học với những tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS).
Với hơn 110 tỷ yên (tương đương 760 triệu USD) đầu tư từ chính phủ, cùng hàng tỷ USD từ các nhà tài trợ tư nhân và doanh nghiệp, quốc gia này đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực điều trị bằng tế bào gốc.
Những thành công gần đây trong điều trị bệnh Parkinson đã mở ra triển vọng mới cho y học tái tạo. Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Jun Takahashi dẫn đầu đã tiến hành điều trị cho 7 bệnh nhân bằng cách cấy từ 5 đến 10 triệu tế bào vào não.
Sau hai năm theo dõi, kết quả cho thấy ít nhất 4 bệnh nhân đã có cải thiện đáng kể về các triệu chứng như run và cứng cơ. Đặc biệt, một số bệnh nhân thậm chí có thể sống độc lập mà không cần dùng thuốc thường xuyên.
Trong lĩnh vực nhãn khoa, Tiến sỹ Masayo Takahashi đã đạt được thành công đáng kể trong việc điều trị thoái hóa điểm vàng. Một bệnh nhân 70 tuổi được điều trị đã duy trì được thị lực sau 10 năm, minh chứng cho tính hiệu quả lâu dài của phương pháp này.
Gần đây, nhóm nghiên cứu đã cải tiến kỹ thuật điều trị, sử dụng các dải tế bào mỏng và phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn hơn, giúp quá trình phục hồi nhanh chóng và an toàn hơn cho bệnh nhân.
Một bước tiến quan trọng khác đến từ nghiên cứu của nhà khoa học Hideyuki Okano tại Đại học Keio trong điều trị chấn thương tủy sống.
Trong số 4 bệnh nhân được điều trị, một người đã có thể tự đứng lên và tập di chuyển, trong khi một người khác đã có thể cử động được một số cơ ở tay và chân. Những kết quả này, dù còn sơ bộ, đã mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân bị liệt do chấn thương tủy sống.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng, Nhật Bản đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng sản xuất tế bào gốc. Công ty Sumitomo Pharma đã xây dựng cơ sở sản xuất tế bào iPS đầu tiên trên thế giới tại Osaka.
Đồng thời, nhóm của Tiến sỹ Masayo Takahashi đã phát triển robot tự động có khả năng sản xuất đủ tế bào cho hơn 800 ca điều trị trong vòng 4 tháng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tự động hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí điều trị cao, có thể lên tới 10 triệu yên (1,8 tỷ đồng) một ca, khiến việc tiếp cận điều trị trở nên khó khăn với nhiều bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu cũng phải liên tục kiểm tra để đảm bảo tế bào không phát triển thành tế bào ung thư. Mặc dù Nhật Bản có quy trình phê duyệt nhanh cho y học tái tạo, các nhà nghiên cứu vẫn phải chứng minh hiệu quả lâu dài của phương pháp điều trị.
Để giải quyết vấn đề chi phí, dự án myiPS tại Osaka đang nỗ lực giảm chi phí sản xuất tế bào tự thân xuống còn 1 triệu yên mỗi bệnh nhân. Với hệ thống 48 máy nuôi cấy tế bào hiện đại và kế hoạch mở rộng thêm 150 máy, dự án này hứa hẹn sẽ giúp điều trị bằng tế bào gốc trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn trong tương lai.
Với những tiến bộ vượt bậc này, Nhật Bản đang đi đầu trong việc biến liệu pháp tế bào gốc từ ý tưởng thành hiện thực, mở ra hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới.
Sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học tiên tiến, đầu tư công nghệ và quyết tâm của các nhà khoa học đang dần biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong y học tái tạo.
Tại Phòng khám Đại học Fujita Haneda, nơi được kỳ vọng sẽ là cơ sở đầu tiên cung cấp các liệu pháp tiên tiến này, bác sỹ nhãn khoa Yoko Ozawa đang hợp tác với Tiến sỹ Takahashi để xác định các bệnh nhân tiềm năng. Bà tin tưởng rằng những khoản đầu tư lớn vào tế bào iPS sẽ mang lại kết quả.
Mặc dù ban đầu bệnh nhân có thể do dự với phương pháp điều trị này, nhưng bà cho rằng "sau một số ca điều trị thành công, sẽ có nhiều người tìm đến hơn"./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-thanh-cong-voi-canh-bac-te-bao-goc-post1033251.vnp