Cập nhật: 21/04/2025 13:20:00
Xem cỡ chữ

Ukraine đang đứng trước áp lực phải đưa ra phản ứng trong tuần này với loạt đề xuất sâu rộng từ chính quyền Tổng thống Trump nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga, bao gồm cả khả năng Mỹ công nhận việc Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 và loại trừ khả năng Kiev gia nhập NATO.

Sức ép của Ukraine trước tối hậu thư hòa bình

Theo nguồn tin từ các quan chức phương Tây, những ý tưởng này được trình bày trong một tài liệu mật do các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump chuyển tới phái đoàn Ukraine tại Paris hôm 17/4. Tài liệu này cũng đã được chia sẻ với các quan chức cấp cao châu Âu tại một cuộc họp kéo dài cả ngày.

Hiện Washington đang chờ phản hồi từ Kiev, dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc họp giữa các quan chức Mỹ, Ukraine và châu Âu ở London vào cuối tuần này. Nếu đạt được sự đồng thuận từ các bên, những đề xuất trên có thể sẽ được chuyển tới Moscow. Nhằm gia tăng sức ép với cả Nga và Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 18/4 đã tuyên bố rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể tạm dừng nỗ lực làm trung gian hòa giải nếu không có sự tiến triển rõ rệt trong vài tuần tới liên quan đến những vấn đề then chốt.

ukraine doi mat voi suc ep nghet tho truoc toi hau thu hoa binh cua ong trump hinh anh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

"Phái đoàn Ukraine cần trở về nước, trình bày lại với Tổng thống của họ và cân nhắc kỹ lưỡng các quan điểm của mình về những điều này. Nhưng chúng tôi cần xác định, trong vài ngày tới, liệu điều này có khả thi trong ngắn hạn hay không. Nếu không thì tôi nghĩ chúng tôi sẽ chuyển hướng sang bước tiếp theo”, ông Rubio cho hay.

Nỗ lực ngoại giao của Mỹ hiện đang nhắm đến việc đặt nền móng cho một lệnh ngừng bắn, dựa trên các ranh giới hiện tại trên tiền tuyến và đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Việc chấp nhận những đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ là thách thức lớn với Kiev bởi Ukraine nhiều lần từ chối chấp nhận quyền kiểm soát hợp pháp của Nga với bất kỳ lãnh thổ nào của nước này.

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/4 cho biết, các ý tưởng được trình bày với Ukraine chỉ mang tính chất để nước này cân nhắc chứ không phải một đề nghị mang tính "chốt hạ". Theo người này, một "danh sách các lựa chọn khả thi" đã được chia sẻ để "thảo luận và lấy ý kiến phản hồi". Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia vẫn chưa đưa ra phản hồi về thông tin này.

Ngoại trưởng Rubio, Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff và Đặc phải viên về xung đột Ukraine Keith Kellogg đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Ukraine tại Paris hôm 18/4, trong đó có ông Andriy Yermak - cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Thứ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha.

Theo các quan chức Mỹ, ông Rubio, ông Witkoff và ông Kellogg dự kiến sẽ tham dự cuộc họp tiếp theo tại London. Sau đó, ông Witkoff có thể thực hiện thêm một chuyến đi tới Nga mặc dù hiện chưa có thông báo chính thức về kế hoạch này. Ông từng có 3 cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho biết ông đã đạt được một số tiến triển trong các cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ khác đã khuyên ông Trump nên thận trọng hơn với các tính toán của Tổng thống Putin.

Các đề xuất của Mỹ

Nếu Mỹ công nhận việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, điều đó sẽ đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn so với hơn một thập kỷ chính sách đối ngoại của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua các đạo luật phản đối việc Mỹ công nhận hành động sáp nhập Crimea của Nga.

Trong số những đề xuất được phía Mỹ đưa ra tại Paris còn có việc loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO.

“NATO không còn nằm trên bàn đàm phán”, ông Kellogg phát biểu trong một chương trình trên Fox News hôm 19/4.

Một đề xuất khác của Mỹ, theo các quan chức phương Tây, là thiết lập khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thành vùng trung lập, có thể được đặt dưới sự giám sát của Mỹ.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky vào tháng 3, ông Trump đã nêu khả năng Mỹ sẽ tiếp quản các nhà máy điện của Ukraine, bao gồm cả các cơ sở hạt nhân, gọi đó là "biện pháp bảo vệ tốt nhất cho các cơ sở hạ tầng năng lượng này". Theo kế hoạch, nhà máy Zaporizhzhia - cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu - sẽ cung cấp điện cho cả lãnh thổ Ukraine và các khu vực Moscow tuyên bố kiểm soát vào tháng 9/2022.

Theo các quan chức phương Tây, những ý tưởng mà chính quyền ông Trump đưa ra vẫn chưa đáp ứng được một số yêu cầu từ Nga. Cụ thể, Mỹ không công nhận Nga có quyền kiểm soát hợp pháp đối với 4 khu vực ở phía Đông Ukraine nhưng cũng không yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi các vùng này. Trước đó, Bloomberg đưa tin về khả năng Mỹ xem xét công nhận việc Nga kiểm soát Crimea.

Cùng theo các quan chức này, Mỹ không đề xuất việc hạn chế quy mô lực lượng vũ trang của Ukraine và không loại trừ khả năng tiếp tục hỗ trợ quân sự phương Tây cho Kiev hoặc triển khai binh lính châu Âu tại Ukraine - một trong những điểm mấu chốt gây tranh cãi với Moscow.

“Bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào trên thế giới cũng có quyền tự vệ. Ukraine có quyền tự vệ và thiết lập các thỏa thuận song phương với bất kỳ quốc gia nào mà họ lựa chọn", Ngoại trưởng Marco Rubio phát biểu hôm 18/4.

Trong khi chính quyền ông Trump tạm thời đình chỉ việc chuyển giao vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine để gây sức ép cho nước này nhằm thúc đẩy giải pháp ngoại giao với Nga thì Washington vẫn chưa áp lệnh trừng phạt kinh tế hay có hành động cụ thể nào gây áp lực lên Tổng thống Putin.

Ukraine tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn toàn diện kéo dài 30 ngày nếu Điện Kremlin cũng thực hiện cam kết tương tự. Cách đây vài ngày, ông Putin đã tuyên bố ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh nhưng các quan chức Ukraine cho biết phía Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công trong thời gian đó.

Hiện vẫn chưa có giải pháp rõ ràng nào về việc Ukraine sẽ nhận được những đảm bảo an ninh gì nếu nước này chấp thuận một thỏa thuận hòa bình. Chính quyền ông Trump cũng chưa làm rõ liệu họ có sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho các quốc gia châu Âu gửi quân đến Ukraine như một phần của lực lượng “đảm bảo” nhằm ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công trong tương lai hay không.

Trong các cuộc gặp tại Moscow và Saudi Arabia do Đặc phái viên Kirill Dmitriev dẫn đầu, Điện Kremlin đã bày tỏ mong muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khôi phục quan hệ kinh tế với Washington.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-doi-mat-voi-suc-ep-nghet-tho-truoc-toi-hau-thu-hoa-binh-cua-ong-trump-post1193620.vov