Khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran diễn ra ở Rome, một bức tranh phức tạp và đầy mâu thuẫn đang dần lộ diện. Dù cả hai bên đều tỏ ra lạc quan, những tín hiệu trái ngược từ chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy rằng khả năng đạt được thỏa thuận vẫn đầy rủi ro và chưa thể đoán định.
Vòng đàm phán hạt nhân thứ hai giữa Mỹ và Iran đã diễn ra tại Rome, Italy vào cuối tuần trước sau cuộc gặp ban đầu ở Muscat, Oman. Mặc dù cả hai bên đều đánh giá các cuộc đàm phán là “có tính xây dựng”, nhưng sự lạc quan đó nhanh chóng vấp phải những tín hiệu trái ngược từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Dù giọng điệu tích cực, vẫn chưa rõ liệu một thỏa thuận hạt nhân mới có thực sự trong tầm tay hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Mỹ sẽ lựa chọn cứng rắn hay linh hoạt?
Ngay từ đầu, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, một nhân vật có quan điểm cứng rắn với Iran, đã đặt ra điều kiện không khoan nhượng: Iran phải xóa bỏ hoàn toàn chương trình làm giàu uranium nếu muốn có bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc họp ở Muscat, Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff lại phát đi tín hiệu hoàn toàn trái ngược. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông gợi ý Tehran có thể duy trì mức độ làm giàu uranium nhất định cho mục đích năng lượng hòa bình – điều mà trước đây được Mỹ xem là không thể chấp nhận.
Ông Witkoff nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp xác minh chặt chẽ để ngăn chặn Iran quân sự hóa khả năng hạt nhân, bao gồm giám sát công nghệ tên lửa và hệ thống vận chuyển. Ông hoàn toàn không nhắc đến từ “xóa bỏ”. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ có thể đang cân nhắc trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA) nhưng có một số điều chỉnh. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không kéo dài lâu. Chỉ một ngày sau, Witkoff lại đảo ngược quan điểm khi đăng trên mạng xã hội X nhấn mạnh yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân và vũ khí của Iran. Vậy điều gì đã khiến ông thay đổi như vậy?
Theo Axios, 3 ngày sau cuộc đàm phán ở Muscat, Tổng thống Trump đã họp với các quan chức an ninh quốc gia cấp cao để đánh giá lại chiến lược của Mỹ. Trong cuộc họp đó, Phó Tổng thống JD Vance, Đặc phái viên Witkoff và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cho rằng Mỹ nên theo đuổi một cách tiếp cận thực dụng, tránh yêu cầu Tehran xóa bỏ toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân, vì điều này sẽ khiến cuộc đàm phán đổ vỡ. Iran đã tuyên bố rõ ràng rằng những nhượng bộ như vậy là không thể chấp nhận. Ông Vance thậm chí còn đề xuất Washington nên chuẩn bị cho khả năng thỏa hiệp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý. Một nhóm đối lập, đứng đầu là Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio, lại cho rằng Iran đang ở thế yếu và Mỹ không thể bỏ lỡ cơ hội này. Họ cho rằng nếu Tehran không chấp nhận các điều kiện của Mỹ, Washington nên sẵn sàng can thiệp quân sự hoặc ủng hộ hành động của Israel.
Sự chia rẽ này làm nổi bật một vết nứt chiến lược trong chính quyền ông Trump. Giữa quan điểm cực đoan yêu cầu Iran phải hoàn toàn giải giáp vũ khí và lập trường linh hoạt hơn, là một khoảng trống mơ hồ. Việc thiếu sự thống nhất trong thông điệp có thể khiến Mỹ rơi vào thế yếu trong các cuộc đàm phán với đội ngũ Iran.
Tính toán chiến lược đằng sau bàn đàm phán
Có thể nói ông Trump đang ở thế khó. Một mặt, ông muốn tránh leo thang quân sự. Quyết định cử Đặc phái viên Witkoff – một nhân vật sẵn sàng thỏa hiệp – cho thấy ông Trump quan tâm đến ngoại giao hơn là đe dọa. Nếu phe “diều hâu” chiếm ưu thế ở Washington, có lẽ vòng đàm phán thứ hai ở Rome đã không diễn ra.
Hôm 21/4, ông Trump thận trọng nói rằng các cuộc đàm phán đang “diễn ra rất tốt”, nhưng cảnh báo rằng tiến triển thực sự sẽ cần thời gian. Lời nói của ông phản ánh sự linh hoạt và thừa nhận phức tạp trong việc đàm phán với Tehran.
Trong khi đó, lạc quan dường như đang gia tăng từ phía Iran. Ngoại trưởng Abbas Araghchi cho biết hai bên đã tìm thấy nhiều điểm chung hơn trong cuộc họp ở Rome so với ở Muscat. Phát biểu của ông cho thấy hai bên có thể đạt được những tiến triển thực chất trong tương lai gần.
Lịch trình của ông Araghchi cũng là một điểm đáng chú ý. Trước khi đến Rome, ông đã tới Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông được cho là mang theo một thông điệp từ Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei, điều mà ông gọi là “thông điệp gửi đến thế giới”.
Phương Tây tất nhiên không thể bỏ qua thông tin về chuyến đi Moscow của ông Araghchi. Họ hiểu chuyến thăm này là sự khẳng định công khai về mối quan hệ giữa Nga và Iran. Đại tá nghỉ hưu của Quân đội Mỹ Douglas MacGregor cho rằng bất kỳ hành động quân sự lớn nào từ Mỹ nhằm vào Iran cũng sẽ dẫn tới phản ứng của Nga, đối tác chiến lược của Tehran.
Cùng ngày, Tổng thống Putin đã ký đạo luật phê chuẩn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Iran, củng cố sự hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai nước. Điều này càng khiến trục Moscow-Tehran trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Dù vậy, nhiều quan chức Iran vẫn hoài nghi về ông Trump, bởi ông cũng chính là người đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Điều này khiến họ lo ngại rằng các thỏa thuận của ông Trump cũng có thể bị đảo ngược trong tương lai.
Mặc dù còn nhiều căng thẳng, truyền thông quốc tế xác nhận sẽ có 2 vòng đàm phán nữa giữa Mỹ và Iran, một ở Geneva vào tuần tới và một ở Oman vào tuần kế tiếp. Điều này cho thấy cả hai bên đều có ý định duy trì đối thoại. Trong khi ông Trump tỏ ra lạc quan thận trọng, Iran vẫn duy trì thái dè dặt, nhưng ít nhất trong ngắn hạn, nguy cơ chiến tranh có vẻ đã giảm.
Bất chấp sự hoài nghi trong nước và căng thẳng chính trị, cả Mỹ và Iran đều nhận ra giá trị trong việc tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, Israel lại tỏ ra lo ngại hơn cả. Thủ tướng Netanyahu đã chỉ trích các cuộc đàm phán, cho rằng chúng có thể làm giảm sự cô lập đối với Tehran và ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của Israel.
Dù vậy, ưu tiên của ông Trump không phải là chính trị khu vực mà là di sản của ông. Theo ông Farhad Ibragimov, giảng viên khoa Kinh tế tại Đại học RUDN của Nga, ông Trump muốn được nhớ đến như một tổng thống đã tránh được chiến tranh và dàn xếp một thỏa thuận mà công chúng Mỹ có thể ủng hộ. Trong bối cảnh này, những phản đối từ Thủ tướng Israel Netanyahu chỉ là yếu tố được xem xét sau.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-hoai-nghi-va-tinh-toan-chien-luoc-dang-sau-cac-cuoc-dam-phan-my-iran-post1194454.vov