Cập nhật: 01/05/2025 08:28:00
Xem cỡ chữ

Sự khác biệt trong tầm nhìn an ninh hiện nay của liên minh phương Tây đã vượt xa câu hỏi làm thế nào để kết thúc xung đột ở Ukraine. Nỗi lo ngại Nga đã đưa họ xích lại gần nhau và giờ chính nỗi lo đó lại đang chia rẽ họ.

Sự tồn tại của NATO bị đặt câu hỏi

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được hình thành năm 1949 bởi Mỹ, Canada và các đồng minh châu Âu nhằm mục đích ngăn chặn Nga. Nhưng nếu chính quyền Tổng thống Trump hiện nay cố ép Ukraine chấp nhận thất bại một phần trong cuộc xung đột với Nga, Mỹ sẽ bị nhiều nước châu Âu cho là đang dung túng cho hành vi của Moscow. Khi các đồng minh NATO không còn đồng thuận về mối đe dọa mà họ đối mặt cũng như cách đối phó với nó thì toàn bộ liên minh này sẽ đứng trước nguy cơ tan rã.

cai gia thuc su phuong tay phai tra trong cuoc xung dot o ukraine hinh anh 1

Ảnh minh họa: Reuters

Trong nhiều thập kỷ tồn tại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã vượt qua không ít bất đồng sâu sắc từ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 đến cuộc chiến tranh ở Iraq bởi vẫn còn một nhận thức chung rằng, sau cùng, Mỹ và châu Âu vẫn cùng đứng chung một chiến tuyến.

Quan hệ đối tác Mỹ - châu Âu được xây dựng trên nền tảng lợi ích và giá trị chung. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lợi ích chung là kiềm chế mối đe dọa từ Liên Xô. Giá trị chung là bảo vệ nền dân chủ. Ngay cả sau Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến chống khủng bố và sứ mệnh bào vệ các nền dân chủ mới ở châu Âu cũng giúp NATO duy trì mục tiêu chung.

Tuy nhiên, sự đồng thuận đó giờ đây đang rạn nứt. Kết quả cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến liên minh này đổ vỡ hoàn toàn. Tuần qua, Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy những kế hoạch hòa bình khác nhau cho Ukraine. Châu Âu đã bác bỏ những điểm then chốt trong kế hoạch của Tổng thống Trump, đặc biệt là việc công nhận tính hợp pháp của việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.

Tổng thống Donald Trump dường như đã có một cuộc trò chuyện thân thiện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Rome tuần trước và cũng đánh dấu thêm một lần hiếm hoi nhà lãnh đạo Mỹ lên tiếng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa rút lại bất kỳ điều khoản nào trong kế hoạch hòa bình mà châu Âu và Ukraine kịch liệt phản đối.

Đằng sau bất đồng đó là những quan điểm an ninh quốc tế rất khác nhau cũng như những nhận định trái ngược về nguồn gốc của cuộc chiến tranh tiếp theo. Các nước châu Âu tin rằng nếu Nga giành ưu thế trong cuộc xung đột ở Ukraine. Moscow sẽ tấn công các khu vực khác của châu Âu, bắt đầu từ các quốc gia vùng Baltic.

Chính quyền Tổng thống Trump lại có cách nhìn khác hẳn. Họ lo ngại Mỹ cuối cùng có thể bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Bản thân Tổng thống Trump đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ của Thế chiến III. Chính quyền ông Biden trước đây cũng lo ngại về nguy cơ leo thang với Moscow nhưng không giống như ông Trump, ông Biden cũng có chung lập trường với châu Âu về Nga.

Sự khác biệt trong tầm nhìn an ninh hiện nay đã vượt xa câu hỏi làm thế nào để kết thúc xung đột ở Ukraine. Các đồng minh của Mỹ đang phải đối mặt với thực tế mới: Đó là Tổng thống Trump hiện đang trực tiếp đe dọa lãnh thổ của 2 nước thành viên NATO.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ sáp nhập Greenland - một phần lãnh thổ tự trị của Đan Mạch vào nước Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tạp chí Time, ông cũng lặp lại mong muốn biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ. Ông Trump chưa đưa ra lời đe dọa quân sự công khai đối với Canada nhưng tuyên bố của ông cho thấy ông muốn xóa bỏ sự tồn tại của Canada như một quốc gia độc lập.

Một số nhà quan sát cho rằng, dựa trên những tuyên bố gây tranh cãi này cùng với những lời đe dọa của ông Trump với NATO và thái độ hòa hoãn hơn của ông với Tổng thống Putin, thật khó để khẳng định rằng NATO vẫn là một liên minh dựa trên những giá trị chung.

Theo Kiều Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cai-gia-thuc-su-phuong-tay-phai-tra-trong-cuoc-xung-dot-o-ukraine-post1195778.vov