Xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan có nguy cơ biến thành xung đột toàn diện, tác động tới toàn cầu.

Thành phố Muzaffarabad ở khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, một trong những địa điểm bị tấn công từ Ấn Độ, ngày 7/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo trang CNA, ngày 7/5, Ấn Độ đã không kích 9 địa điểm trong lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát, khiến ít nhất 38 người thiệt mạng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục leo thang sau vụ tấn công vào khách du lịch ở thị trấn Pahalgam, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng trước, khiến 26 người tử vong.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố chiến dịch ngày 7/5 là minh chứng cho quyết tâm truy cứu trách nhiệm, đồng thời khẳng định đã tránh những hành động khiêu khích không cần thiết. Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan tuyên bố hành động trả đũa đã bắt đầu và khẳng định sẽ giải quyết vấn đề.
Bối cảnh lịch sử căng thẳng
Ấn Độ và Pakistan đã trải qua nhiều thập kỷ mâu thuẫn kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Kashmir đã dẫn đến ít nhất ba cuộc chiến và nhiều đợt giao tranh.
Cuộc chiến đầu tiên diễn ra vào năm 1947, sau đó cuộc chiến thứ hai diễn ra vào năm 1965. Ít nhất ba cuộc chiến nữa và một số cuộc giao tranh vũ trang đã nổ ra kể từ đó.
Hiện nay, Kashmir bị chia cắt bởi Đường Kiểm soát (LoC), vốn là ranh giới kiểm soát thực tế giữa hai bên: Ấn Độ quản lý Thung lũng Kashmir, Jammu và Ladakh, trong khi Pakistan kiểm soát Azad Kashmir, Gilgit và Baltistan.
Nguy cơ xung đột toàn diện
Sau vụ tấn công ở Pahalgam, căng thẳng ngoại giao giữa hai nước ngày càng sâu sắc. Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp ước Nước Indus - vốn điều phối chia sẻ nguồn nước sông Indus - và đóng cửa khẩu biên giới trên bộ với Pakistan. Về phần mình, Pakistan đe dọa rút khỏi Hiệp định Simla năm 1972, vốn từng là nền tảng cho hòa bình song phương.
Hai nước cũng đã dừng cấp thị thực cho công dân của nhau và đóng cửa không phận, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn. Dù vậy, giới phân tích vẫn chia rẽ về về viễn cảnh cuộc xung đột kéo dài nhất ở Nam Á bùng phát thành một cuộc xung đột toàn diện.
Trên tờ The Conversation, Giáo sư quan hệ quốc tế Ian Hall tại Đại học Griffith (Australia) nhận định rằng hai bên đang tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu nghiêm trọng hơn các lần trước.
“Hy vọng là sẽ có hành động quân sự hạn chế, kéo dài trong vài ngày, và sau đó mọi thứ sẽ nhanh chóng lắng xuống, như đã từng xảy ra trước đây. Nhưng không có gì đảm bảo điều đó”, ông nói.
Trong khi đó, Phó giáo sư Iqbal Singh Sevea tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chiến tranh sắp xảy ra và lưu ý rằng cả hai bên đều có xu hướng kiềm chế.
Ông cho rằng Ấn Độ đã chủ động coi các cuộc không kích là hành động quân sự có mục tiêu, tính toán kỹ lưỡng và không nhằm leo thang, chỉ nhắm vào các cơ sở của khủng bố.
“Điều này phản ánh mục tiêu định hình các cuộc không kích là các cuộc tấn công vào những kẻ khủng bố có căn cứ tại Pakistan, chứ không phải là một hành động chiến tranh”, Phó giáo sư Sevea nói.
Về phía Pakistan, nước này lo lắng về leo thang quân sự, song họ có thể sẽ đáp trả nhưng ở mức độ vừa phải, nhằm tránh đẩy căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Phản ứng từ cộng đồng quốc tế

Toàn cảnh cuộc họp của HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trước diễn biến mới, nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới “không thể để xảy ra” một cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia này. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cuộc khủng hoảng này là “điều đáng xấu hổ”.
Tại châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng hành động của Ấn Độ là “đáng tiếc” và kêu gọi kiềm chế, trong khi Nhật Bản nhấn mạnh cần thiết phải đối thoại để ngăn nguy cơ xung đột toàn diện.
Tác động lan rộng đến Đông Nam Á
Xung đột kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ là vấn đề khu vực mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và kinh tế ở Đông Nam Á. Theo Phó giáo sư Sevea, hệ quả tức thời của tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ là nhập khẩu. Nền kinh tế Ấn Độ ngày càng gắn kết với Đông Nam Á, với nhiều quốc gia trong khu vực đầu tư vào đây.
Một số quốc gia Đông Nam Á cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan, bao gồm các mặt hàng chủ lực như gạo. Trong đó, Malaysia nhập tới 40% lượng gạo từ hai quốc gia này. Indonesia cũng đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ do thiếu gạo.
Đối với các quốc gia như Singapore, vốn chú trọng ổn định các thể chế đa phương, một cuộc xung đột tại Nam Á có thể làm gia tăng bất ổn trong trật tự toàn cầu đang mong manh.
Lối thoát cho khủng hoảng

Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công của Ấn Độ nhằm vào nhiều địa điểm ở Pakistan ngày 7/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trong một bài bình luận sau vụ tấn công vào tháng 4 tại Pahalgam, nhà nghiên cứu Iftekharul Basha tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cho rằng hòa bình bền vững đòi hỏi cả hai bên phải có trách nhiệm. Ấn Độ cần thúc đẩy hòa hợp xã hội và tránh kỳ thị người Hồi giáo, nhằm ngăn chặn các thế lực cực đoan trỗi dậy. Còn Pakistan cần hành động mạnh mẽ hơn để trấn áp các nhóm cực đoan hoạt động trong lãnh thổ của mình.
Ông Basha cũng nhấn mạnh vai trò tiềm năng của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) trong việc làm trung gian hòa giải, nhưng thừa nhận rằng tổ chức này đang bị suy yếu bởi các toan tính chính trị giữa các nước thành viên.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan, ông Moeed W. Yusuf, cho rằng can thiệp của cộng đồng quốc tế hiện nay chỉ mang tính quản lý khủng hoảng tạm thời, trong khi giải pháp thực sự phải đến từ nỗ lực xây dựng đối thoại bền vững giữa hai nước. Ông cảnh báo: “Cộng đồng quốc tế nên tìm cách tạo điều kiện cho Ấn Độ và Pakistan quay trở lại bàn đàm phán - với mục đích giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn đọng của họ theo cách có thể chấp nhận được và bền vững cho cả hai bên. Nguy cơ leo thang ở một khu vực hạt nhân như Nam Á là quá lớn nên thế giới không thể phớt lờ”.
Theo Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/an-do-va-pakistan-truoc-nguy-co-xung-dot-toan-dien-20250507233142243.htm