Cập nhật: 08/05/2025 08:46:00
Xem cỡ chữ

Điều này đòi hỏi các DN cần sớm có lộ trình đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống, từ đó chủ động ứng phó linh hoạt với những chính sách thương mại mới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2025 đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,0%; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD. Điều đáng nói là trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 74,32 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 năm nay ước đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước.

Những con số này cho thấy, chính sách thuế quan của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang tác động rất rõ tới hoạt động xuất khẩu của các DN. Điều này đòi hỏi các DN cần sớm có lộ trình đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống, từ đó chủ động ứng phó linh hoạt với những chính sách thương mại mới.

xuat nhap khau thang 4 sut giam tac dong som tu chinh sach thue quan cua my hinh anh 1

Chính sách thương mại mới ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu như dệt may.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá đơn hàng chưa cải thiện cũng như các yêu cầu khắt khe về chất lượng hệ thống sản xuất, thời gian giao hàng, môi trường lao động từ các thị trường nhập khẩu đang là những thách thức lớn cho DN.

Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những biến động chính trị từ năm 2024. Sự không chắc chắn về chính sách thương mại của Mỹ, cùng với những căng thẳng địa chính trị âm ỉ có thể tạo ra rủi ro đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu như dệt may.

Để ứng phó với những diễn biến của thị trường, Hoà Thọ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nhiệm vụ chính. Trong đó có việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trước sự thay đổi chính sách thuế quan, thương mại của Mỹ và các nước để chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó.

“DN đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu cũng như hoàn thiện trung tâm nghiên cứu và phát triển để chủ động trong công tác thiết kế, phát triển mẫu,… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hòa Thọ đẩy mạnh thực hiện các chương trình số hoá, chuyển đổi số toàn diện kết hợp với tuyển dụng, đào tạo và nâng cao chế độ chính sách để bảo toàn và thu hút lực lượng lao động có chất lượng cao. Cùng với đó, DN tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt tập trung vào các hoạt động đầu tư xanh, bền vững như năng lượng mặt trời, tái chế nước thải… đáp ứng tiêu chuẩn từ các thị trường xuất khẩu”, ông Bình cho biết.

Kiên định với chiến lược đa dạng hóa thị trường

Thời gian tới, chính sách thuế quan của các thị trường lớn chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của các DN tại Hà Nội, không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường trọng điểm khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay Trung Quốc. Để thích ứng với các biến động của thị trường, các DN trên địa bàn Hà Nội đang không ngừng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; kiên định với chiến lược đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào thị trường chủ lực là Mỹ.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (HanoiSME) cho hay, nhiều DN trong Hiệp hội đã chủ động có những kế hoạch, phương án để có thể vượt qua bão thuế quan của Mỹ. “Trước mắt, phía Hiệp hội đã hỗ trợ thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời về các quy định, tình hình thuế quan cho DN. Qua đó giúp DN bám sát diễn biến kinh tế, nắm bắt và đánh giá tình hình của ngành hàng mình xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất hợp lý”, ông Mạc Quốc Anh thông tin. 

xuat nhap khau thang 4 sut giam tac dong som tu chinh sach thue quan cua my hinh anh 2

DN Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng để tận dụng lợi thế từ các FTA

Hiện nay, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đang mang lại ưu thế rõ rệt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, DN Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng để tận dụng lợi thế này, chiếm lĩnh thị trường trước khi rất nhiều Hiệp định thương mại tự do được EU kết thúc đàm phán (dự kiến trong năm nay và năm sau). Bên cạnh đó, các Hiệp hội cần yêu cầu DN nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, hướng dẫn DN sản xuất và xuất khẩu theo quy định, tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm… 

Ngoài việc tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở ra không gian xuất khẩu mới và mức ưu đãi thuế quan hấp dẫn, việc các nước siết chặt chính sách thương mại cũng buộc các DN xuất khẩu phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững. Đây cũng chính là thời điểm để các DN xem xét lại chiến lược thị trường, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu riêng.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xuat-nhap-khau-thang-4-sut-giam-tac-dong-som-tu-chinh-sach-thue-quan-cua-my-post1197763.vov