Cập nhật: 13/05/2025 10:00:00
Xem cỡ chữ

Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) gắn với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, trở thành công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu, vừa là trung tâm quyền lực vừa là pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Chú thích ảnh

Cửa Nam - Thành nhà Hồ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Sau gần 15 năm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới (2011-2025), tỉnh Thanh Hóa từng bước bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Nơi đây cũng đã được thực hiện nhiều cuộc khai quật và tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá “độc nhất vô nhị” này.

Phát huy giá trị của Khu Di sản Thành nhà Hồ

Thực hiện khuyến nghị của UNESCO và cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ đã phối hợp Viện khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Hội khảo cổ học Việt Nam đẩy mạnh hoạt động khảo cổ dưới lòng đất di sản. Với mục tiêu khai quật trên tổng diện tích 56.000m2, trong đó có 25.000m2 khu vực Thành Nội, 12.000m2 hào thành, 5.000m2 bốn cổng thành, 14.000m2 con đường Hoàng gia... các nhà khoa học, nhà sử học phát hiện, tìm thấy nhiều cứ liệu quan trọng, giúp làm rõ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ, qua đó, giúp ích rất lớn cho việc bảo vệ, trùng tu di sản đang bị xuống cấp ở nhiều vị trí. Việc nghiên cứu, khai quật, khảo cổ học tổng thể di sản từng bước “mở ra” dấu tích văn hóa vật chất của Thành nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi dưới lòng đất.

UBND tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư hoàn thành mục tiêu khai quật theo kế hoạch đề ra. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú ý đến 6 bước của quy trình khai quật: Chuẩn bị mặt bằng, phương tiện vật tư khai quật; khai quật bằng phương pháp thủ công; hoàn trả mặt bằng khai quật; chỉnh lý kết quả khai quật và lập hồ sơ hiện vật; hội thảo khoa học; hệ thống kết quả khai quật và xây dựng báo cáo khoa học để phân kỳ đầu tư đảm bảo lộ trình theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam, chuyên gia quốc tế khảo sát, lập đề án xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho di sản. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng bản đồ khảo cổ học chiến lược cho khu vực đề cử và bảo vệ đặc biệt của di sản gồm Hoàng thành, La thành, Nam Giao, đường Hoàng gia... Các giai đoạn tiếp theo tập trung xây dựng các loại bản đồ phục vụ công tác quản lý di sản cho vùng đệm.

Chú thích ảnh

Hàng trăm viên đạn đá có kích thước lớn nhỏ đang được trưng bày tại phòng trưng bày hiện vật quý của Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới thành nhà Hồ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết, việc ứng dụng công nghệ số mang lại nhiều lợi ích phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và thúc đẩy phát triển du lịch Thành nhà Hồ một cách bền vững. Bên cạnh đó, tư duy, nhận thức và trình độ chuyên môn của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch được nâng cao, đem lại sự hài lòng cho công chúng khi tới tham quan và trải nghiệm sản phẩm du lịch tại di sản.

Điểm sáng phát triển du lịch

Ngoài tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khảo cổ cũng như bảo vệ, bảo tồn di sản, việc quảng bá, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ đến với bạn bè trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm.

Để khai thác và phát huy giá trị độc đáo của di sản, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thời gian qua, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã không ngừng “làm mới” mình bằng sản phẩm du lịch phong phú, gắn với tài nguyên vốn có mang đặc trưng riêng biệt của vùng đất và con người Tây Đô. Đây cũng là cách làm để Thành nhà Hồ thu hút được khách du lịch trong suốt 4 mùa.

Nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã thiết kế một không gian trưng bày giới thiệu hiện vật ngoài trời. Hiện nay, không gian đang trưng bày, giới thiệu hệ thống các chân tảng và vật liệu kiến trúc tiêu biểu được phát hiện trong quá trình khai quật tại khu vực nội thành Di sản Thành nhà Hồ, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và nhu cầu tham quan của du khách.

Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tổ chức nhiều hoạt động như: Trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô; “Không gian trưng bày Thành nhà Hồ, lịch sử, truyền thuyết và khảo cổ”; “Không gian trưng bày đá xây thành” làm điểm check - in mới tại Cổng Nam; tổ chức các trò chơi dân gian và giới thiệu nét độc đáo ẩm thực địa phương, sản phẩm OCOP… Với việc xây dựng 4 tuyến tham quan: Thành nhà Hồ - Về miền Di sản; Thành nhà Hồ - các làng truyền thống; Thành nhà Hồ - Tâm linh vùng đệm; Thành nhà Hồ - Di tích và thắng cảnh vùng đệm đã đưa các di tích phụ cận trong vùng đệm vào chương trình tham quan tại di sản, đồng thời giúp du khách có cái nhìn toàn diện hơn về đất và con người vùng Tây Đô - Thành nhà Hồ.

Chú thích ảnh

Đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Thanh Hóa đi thực tế tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Du khách Nguyễn Kiều Liên (đến từ Quảng Ninh) cho biết: "Sau 5 năm quay trở lại tôi thấy Thành nhà Hồ đã có nhiều thay đổi rõ nét. Tại đây, các sản phẩm du lịch đa dạng hơn, chứ không chỉ bó gọn việc đi tham quan tòa thành đá như trước. Du khách được trải nghiệm nhiều không gian văn hóa đa dạng qua các sản phẩm trưng bày hiện vật, mô hình trưng bày khảo cổ học gắn với đặc trưng văn hóa của khu di sản. Các con của tôi rất thích thú với những trải nghiệm mới tại đây".

Một nét riêng đặc sắc góp phần khẳng định giá trị của Thành nhà Hồ là di sản luôn có sự gắn bó mật thiết với đời sống của người dân. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đặc biệt chú trọng giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên thông qua các chương trình trải nghiệm, học tập gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Đây là cách tiếp cận hiệu quả để nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý thức gìn giữ di sản trong thế hệ trẻ. Trung tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng đón tiếp và ứng xử văn minh với du khách, từ đó, tạo ra sự cộng hưởng giữa bảo tồn di sản và phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho công tác khai quật khảo cổ và bảo tồn, chống xuống cấp tại Thành nhà Hồ. Việc đổi mới đa dạng hóa các tuyến tham quan gắn với đặc trưng của Di sản góp phần làm thay đổi về cơ bản nhận thức của du khách và cộng đồng địa phương khi đến tham quan. Các tuyến tham quan không ngừng được mở rộng và tăng cường đến các điểm di tích, danh thắng, làng truyền thống trong khu vực di sản.

Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới nằm ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Đây là một công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới được xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Sau gần 15 năm di sản được UNESCO công nhận, Thành nhà Hồ đã và đang là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Theo Việt Hoàng - Hoa Mai (TTXVN)

https://baotintuc.vn/van-hoa/thanh-nha-ho-tu-di-san-thanh-diem-sang-du-lich-20250513090557304.htm