Trong thời điểm hiện nay, diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm đang có chiều hướng hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của bà con nông dân. Trên địa bàn toàn quốc đã có 22 tỉnh thành công bố dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch bệnh tai xanh ở đàn gia súc, gia cầm. Với Vĩnh Phúc, từ tháng 5/2007 đến nay không để xảy ra dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên không vì thế mà việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm bị xem nhẹ.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc gia cầm, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo Chi cục thú y và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tổ chức các đoàn giám sát đến thôn xóm và các hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, xây dựng phương án bao vây, xử lí ổ dịch triệt để, không để lây lan ra diện rộng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc gia cầm vào địa bàn và thống kê, quản lí các hộ buôn bán gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm; yêu cầu các hộ cam kết thực hiện khai báo và kiểm dịch theo qui định. Đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, môi trường và địa bàn chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học.
Từ đầu năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 10 đợt tiêm phòng vac xin cúm cho đàn gia cầm, 2 đợt tiêm phòng vac xin lở mồm long móng cho gần 30 vạn lựơt gia súc. Công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi được chú trọng. Năm 2008, toàn tỉnh đã được đầu tư hơn 20.000 lít hoá chất dùng đểp phun khử trùng, tiêu độc vệ sinh chuồng trại tập trung vào 3 đợt trên địa bàn tỉnh. Riêng tháng 1/2009, toàn tỉnh đã tổ chức đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường trên qui mô hơn 160.000 hộ dân, 57 chợ thuộc 1.343 thôn làng của 137 xã, phường, thị trấn và hơn 3,5 triệu m 2 đường làng ngõ xóm khu dân cư.
Trên địa bàn tỉnh sau gần 2 năm không để xảy ra dịch bệnh trong đàn gia súc gia cầm, vì vậy đã hình thành tâm lí chủ quan trong phòng chống dịch bệnh ở một số địa phương và các hộ chăn nuôi, nhất là khi dịch bệnh đã bùng phát ở một số tỉnh lân cận như Phú Thọ, Bắc Ninh. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương và hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh từ chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng định kì và bổ sung phòng chống dịch bệnh, góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
NGỌC ANH