Cập nhật: 14/08/2009 22:04:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác và công bố tác phẩm về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát động cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 9 năm 2009.

Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm của 270 tác giả đến từ các Hội Văn học nghệ thuật của 15 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc trong đó tỉnh Vĩnh Phúc có 135 tác phẩm của 27 tác giả là hội viên chi hội nhiếp ảnh và cộng tác viên. Những tác phẩm tham gia liên hoan đều là những sáng tác trong hai năm 2008, 2009 của các tay máy và chưa từng được công bố ở bất kỳ một cuộc thi nào. Vĩnh Phúc vinh dự là tỉnh đăng cai tổ chức liên hoan lần này.

 

Năm nay việc chuẩn bị chấm ảnh được đơn vị chủ nhà Vĩnh Phúc tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng: các ảnh dự thi gửi về đều được dán kín tên tác giả và tên tỉnh đánh mã số; hội đồng giám khảo do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cử ra đã mạnh dạn bổ sung lực lượng trẻ có năng lực và nhiều kinh nghiệm trong sáng tác cùng tham gia chấm giải. Tuy nhiên, do số lượng ảnh tham gia liên hoan lớn nên cuộc thi chấm ảnh lần này đối với Hội đồng ban giám khảo gặp khá nhiều khó khăn vì vừa phải chấm để giữ được phong trào, vừa phải đảm bảo chất lượng cuộc thi. Sau nhiều ngày làm việc nghiêm túc, công tâm, dân chủ và công khai, Hội đồng giám khảo đã chọn ra được 24 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải chính thức gồm 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 8 huy chương đồng, 10 giải khuyến khích, trong đó nhiếp ảnh Vĩnh Phúc đã dành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích và có 43 trên tổng số gần 300 tác phẩm tiêu biểu được chọn treo tại liên hoan.

 

Lễ khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 9 năm 2009, tại trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo: Vụ Văn hoá Thông tin (Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương), lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, hội VHNT tỉnh Đồng Tháp, hội VHNT 15 tỉnh và đông đảo các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong khu vực đã đến dự. Kết thúc lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh trong khu vực cho đơn vị chủ nhà Vĩnh Phúc và trao các huy chương, giấy chứng nhận cho các tác phẩm đạt giải. Huy chương vàng đã được trao cho tác phẩm: “Những người lính Trường Sơn hôm nay” của tác giả Chu Quang Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) và tác phẩm “Đường đến trường” của tác giả Phạm Ngọc Bằng (tỉnh Lào Cai). 4 giải đồng đội được trao cho Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh: Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai và Vĩnh Phúc. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn: cái được lớn nhất của triển lãm ảnh nghệ thuật Khu vực miền núi Phía Bắc lần thứ 9 lần này là chất lượng ảnh khá đồng đều, có tính nhân văn và ý nghĩa xã hội cao. Bên cạnh đó, triển lãm cũng đã tập hợp được đông đảo các nhà nhiếp ảnh ở các lứa tuổi khác nhau, trong đó có nhiều tác giả đạt giải chưa phải là hội viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mà là các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, tuổi đời còn rất trẻ đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ nhiếp ảnh địa phương hoặc hoạt động tự do…So với các kỳ liên hoan khu vực trước, tại liên hoan lần này, số lượng cũng như chất lượng của các tác phẩm trong khu vực nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ “độ chín” về nghề của các tác giả. Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên luôn giữ được phong độ là “con chim đầu đàn” của 15 tỉnh trong khu vực về chất lượng và số lượng ảnh nghệ thuật. Một số tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang…có sự bứt phá khá lớn về chất lượng ảnh dự thi. Các tay máy chuyên và không chuyên đã cho người xem nhận ra một cách tiếp cận mới về miền núi trong một không gian mở của nghệ thuật nhiếp ảnh.

 

 Nội dung ảnh dự triển lãm năm nay khá phong phú về chủ đề, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến chủ đề về văn hóa, du lịch về nguồn…trong đó nổi bật là các nhóm ảnh chụp phong cảnh, lễ hội, chân dung, sinh hoạt đời thường…ở những bản làng, trên những nẻo đường miền núi mà các tay máy chuyên và không chuyên đã đi qua. Các tác giả đã bám sát đề tài chính của liên hoan là những “khoảnh khắc đẹp”, ghi lại những hình ảnh có tính biểu cảm cao, miêu tả quá trình xây dựng và bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người, đời sống lao động của các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc trong những năm đổi mới đất nước, hội nhập Quốc tế; những tấm gương làm theo lời Bác; những nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc...Những hình ảnh được ghi lại ở nhiều góc độ khác nhau đã đem lại ấn tượng và cảm xúc sâu sắc cho người xem thông qua các bức ảnh có ánh sáng đẹp, bố cục chặt chẽ, ý tưởng rõ ràng như: “du lịch cộng đồng” ở Sa Pa; lúa chín trên cánh đồng Điện Biên; hình ảnh cô gái dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc, Hà Giang đang cười sau mỏm đá, bên cạnh đó là những cây ngô xanh tốt sắp vào lúc trổ cờ; những chiếc cầu treo ở Mường Lát bắc qua sông Mã “gầm lên khúc độc hành”; những nếp nhà sàn; những ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại bên đồi núi chập trùng hay tuyết rơi ở SaPa lung linh, huyền ảo...Phần lớn các tác phẩm tham dự triển lãm là ảnh chụp và xử lý theo phương pháp truyền thống. Một số ảnh được xử lý, sáng tạo bằng phần mềm photoshop cũng đã có những thành công nhất định. Triển lãm ảnh nghệ thuật các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 9 không chỉ là những bông hoa đẹp trong rừng hoa muôn sắc màu kính dâng lên Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, chào mừng kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9…mà còn tạo ra được một “sân chơi” nhiều ý nghĩa cho các tay máy trong khu vực giao lưu, học hỏi lẫn nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm sáng tác…và thêm một lần nữa khẳng định: nhiếp ảnh khu vực miền núi phía Bắc xứng đáng là một trong những đơn vị đóng góp đáng kể cho phong trào phát triển nhiếp ảnh của cả nước.

 

Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã cho thấy những cống hiến, khả năng sáng tạo không biết mệt mỏi của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Qua ống kính của họ, đời sống hiện thực được phản ánh đa dạng, phong phú, người xem cảm ơn họ vì sự cống hiến này. Nhưng đối với những người trong cuộc, khi được hỏi “đã hài lòng chưa?” thì câu trả lời là “chưa thực sự hài lòng”. Sự nhìn nhận khắt khe bắt đầu xuất hiện khi một số tác phẩm trưng bày được tranh luận sôi nổi dưới góc độ nghề nghiệp tại cuộc hội thảo diễn ra ngay sau lễ khai mạc. Theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong số gần 300 bức ảnh được chọn treo vẫn còn có một số ảnh sáng tác theo lối mòn, chưa có nhiều phát hiện mới, chưa có tính đột phá, chưa đạt được tầm khái quát cao; tả thực là cần thiết nhưng người cầm máy phải chịu đi, biết chắt lọc những điển hình từ cái thực ấy, chớp được những “khoảnh khắc vàng” để bấm máy. Nếu chỉ tả thực không có ngôn ngữ nhiếp ảnh, thì tác phẩm không sinh động, không có điển hình. Còn về mặt kỹ xảo, nhiếp ảnh thời nay không thể không đề cao. Nhưng nếu kỹ xảo không dựa trên tính thẩm mỹ, xa rời chủ thể phản ánh thì lại thành ảnh cắt dán. Trao đổi với nhóm phóng viên chúng tôi, ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hướng các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và khu vực miền núi phía Bắc nói riêng đi theo thể loại ảnh tài liệu nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ còn là ảnh nghệ thuật chung chung nữa. Ảnh mang tính chất tài liệu nghệ thuật là ảnh có địa chỉ, có tên tuổi, có con người cụ thể nhưng phải đẹp và quan trọng hơn nói lên những vấn đề mà xã hội cần quan tâm.

 

Với những gì nhiếp ảnh khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm được trong thời gian vừa qua và tại triển lãm lần này, chúng tôi - những người thực hiện chương trình này hy vọng nhiếp ảnh khu vực miền núi phía Bắc sẽ có những đột phá, sáng tạo hơn, những bước trưởng thành hơn nữa trong những năm tiếp theo, từng bước sánh ngang với nhiếp ảnh trong cả nước và vươn ra quốc tế. Hẹn mùa liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 10 sang năm tại tỉnh Điện Biên với nhiều thắng lợi mới.

 

                                               

 QUANG MINH 

Tệp đính kèm