Cập nhật: 29/03/2009 08:31:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi nghe tin ông Kim Ngọc được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, tôi nhớ ngay đến người học trò xuất sắc nhất của ông – người học trò của Lý thuyết Khoán quản.

>> Vinh danh Kim Ngọc và bài học cho hôm nay

 

Kim Ngọc (1917-1979) là nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú, ông được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ" mà người ta quen gọi là "khoán mười", "cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp" ở Việt Nam.

Ông tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1917 tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1939.

Năm 1954 ông là Phó Chính uỷ Quân khu Việt Bắc. Đến năm 1958 là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1968 hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sát nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú cho đến năm 1978.

Ông là người khởi xướng việc khoán hộ trong nông nghiệp Việt Nam vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, và do không được người cùng thời đánh giá đúng về khoán hộ nên đã bị phê phán, phải làm kiểm điểm. Tuy nhiên, ông vẫn được tiếp tục bầu làm bí thư tỉnh uỷ và giữ chức này cho đến khi ông về hưu vào năm 1978.

Ông mất ngày 26 tháng 5 năm 1979. (Theo Wikipedia)

 

Đây không phải là người học trò giỏi lý thuyết mà là người đã biến lý thuyết của ông Kim Ngọc thành hiện thực một cách thành công nhất. Người học trò đó có tên là Đặng Văn Ấn, nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ.

 

"Anh hùng" từ phong trào giao ruộng cho hộ nông dân

 

Sẽ rất nhiều người không biết đến ông Ấn. Còn tôi biết ông Ấn từ khi tôi còn mặc quần hở rốn và người đầy ghẻ lở. Ông Ấn ở cùng xã với tôi. Tôi người làng Chùa còn ông người làng Sóc. Đối với người xã tôi, ông Ấn là một nhân vật ai cũng nhớ từ trước khi ông trở thành Chủ nhiệm hợp tác xã.

 

Cứ buổi chiều, người ta lại nghe tiếng rao “Ai bánh tẻ nóng hơ... ơ…”. Đó là tiếng rao của ông Ấn. Nghe tiếng ông rao bánh là bọn trẻ con chúng tôi kéo nhau chạy xuống đường làng để được nhìn ông.

 

Từ xa trên đường làng đầy phân trâu và phân lợn thả hoang, chúng tôi đã nhận ra ông. Ông Ấn đội trên đầu một thúng bánh tẻ còn nóng bốc hơi ngùn ngụt, miệng nhai trầu đỏ lòe loẹt và hai tay vung vẩy dẻo như người ta múa Chèo.

 

Làng Sóc của ông Ấn nổi tiếng làm bánh tẻ mà ở thành phố người ta gọi là bánh giò. Trong làng Sóc thì gia đình ông làm bánh tẻ ngon nhất. Vì bánh ngon lại cộng với cá tính đặc biệt của con người ông nên ai cũng muốn mua bánh của ông.

Khi ông đi qua làng tôi, lũ trẻ con chúng tôi chạy sau ông để được ngửi mùi bánh tẻ tỏa ra từ chiếc thúng đội đầu. Trong những năm tháng đói rét triền miên ấy, mùi bánh nóng làm chúng tôi mê đi như một thứ bùa của một mụ phù thủy.

 

Nhưng mỗi năm tôi chỉ được bà tôi mua cho không quá hai lần bánh. Mỗi lần ăn bánh, tôi như chìm vào một cơn mơ bất tận của no ấm. Đói khát thật kinh khủng. Nó có thể làm con người mất đi ý trí của mình và trở nên rối loạn.

Mấy năm sau, ông Ấn được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã liên thôn. Một kiểu “Đại” hợp tác xã gồm bốn thôn với cả nghìn hộ dân.

 

Một lần ngồi trò chuyện với tôi, ông bảo xã viên bầu ông làm chủ nhiệm chỉ vì ông gánh phân rất giỏi chứ chẳng có tài cán hay trình độ gì. Hồi đó, trình độ văn hóa của ông là lớp 3 trường làng nhưng ông cũng đã rời sách vở từ trước đó lâu lắm rồi.

 

Nhưng khi trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, ông dấy lên nhiều phong trào rầm rộ như phong trào làm phân xanh, phong trào nuôi trâu bò béo, phong trào hố xí hai ngăn, phong trào vệ sinh ngõ xóm… Trong những phong trào đó có một phong trào đã biến ông thành một anh hùng, đó là phong trào giao ruộng cho các hộ nông dân.

 

Thay đổi năng suất và thay đổi tinh thần làm việc

 

Tôi không biết hồi đó lý thuyết khoán quản của ông Kim Ngọc đã lan về xã tôi bằng cách nào. Tôi có hỏi một hai người trong Ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xã tôi rằng ai tuyên truyền cho họ lý thuyết khoán quản của ông Kim Ngọc.

 

Họ nói họ cũng không còn nhớ gì cả. Họ bảo hồi đó ban chủ nhiệm triển khai giao ruộng cho nông dân mà cứ thì thà thì thụt như đi ăn trộm gà.

 

Việc giao ruộng cho nông dân như một phép lạ. Nó thay đổi năng suất và thay đổi tinh thần làm việc của nông dân. Nông dân xã tôi vừa làm vừa hạnh phúc nhưng lại vừa giấu cách làm của mình với các xã xung quanh. Nhưng chuyện đó đâu phải là cái kim. Mà cái kim ở trong bọc lâu ngày cũng thò ra. Cuối cùng lãnh đạo cấp trên đã phát hiện ra việc giao ruộng cho dân của ông Ấn.

 

Nhưng thật may cho ông Ấn, vào lúc mà phương thức giao ruộng cho nông dân đang thành công rực rỡ ở xã tôi, vào lúc mà cuộc làm ăn “bí mật” của họ bị bại lộ thì cũng là lúc Nhà nước bắt đầu công nhận lý thuyết của ông Kim Ngọc. Thế là xã tôi trở thành tâm điểm của báo chí cả nước.

 

Tôi vẫn còn nhớ trên trang nhất của báo Nhân Dân có một cái tít với hàng chữ lớn, đỏ rực “Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp hiện nay”. Bài này của nhà báo Đắc Hữu, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tây ngày đó.

 

Người lãnh đạo cao cấp đầu tiên của đất nước về xã tôi là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi đến nhà thơ, Phó Thủ tướng Tố Hữu, rồi các vị lãnh đạo khác cùng hàng trăm đoàn khách thăm quan từ các tỉnh thành Nam Bắc đổ về thăm quan, bàn luận, học tập.

 

Rồi chưa đầy một năm sau đó, ông Ấn, người bán bánh mê hoặc của tuổi thơ tôi, đã trở thành đại biểu Quốc hội. Dọc con đê sông Đáy chảy qua xã tôi, chúng tôi thi thoảng nhìn thấy một chiếc Com-măng-ca đít vuông chạy về làng Sóc. Đó là chiếc xe đưa đón đại biểu Quốc hội Đặng Văn Ấn về Hà Nội họp Quốc hội.

 

Nhớ người từ mỗi tiếng rao...

 

Tôi hỏi ông trong 5 năm là đại biểu Quốc hội ông đã làm những gì. Ông Ấn cười có vẻ ngượng ngùng bảo ông chẳng làm được gì vì trình độ quá hạn chế.

 

Suốt 5 năm làm đại biểu Quốc hội ông phải từ bỏ một số thói quen sinh hoạt của ông. Nhưng có một thứ ông không thể nào bỏ được là ăn trầu.

 

Theo ước tính của ông thì 5 năm làm đại biểu Quốc hội ông ăn hết chừng 1000 quả cau, khoảng 8000 lá trầu, khoảng 100 lọ pênicilin đựng vôi và đến 100 mét rễ khoai. Rễ khoai là loại rễ ngon nhất để ăn trầu. Nhưng các bạn trẻ đừng hiểu lầm rễ khoai là rễ cây khoai lang lấy củ mà là rễ một loại cây mọc trên rừng.

 

Ông Kim Ngọc mất đã lâu rồi. Nhưng người học trò xuất sắc nhất của ông vẫn còn sống.

 

Bảy năm trước tôi có đến thăm ông Ấn. Ông đã già không ra ruộng nữa. Ông ở nhà cơm nước, gà lợn giúp con cháu. Gia đình ông cũng bỏ nghề làm bánh tẻ. Ông chỉ làm món bánh đó vào những dịp lễ tết hay ngày việc làng. Chỉ có một thứ ông không bỏ được đó là ăn trầu.

 

Ông bảo tôi nếu bây giờ ông chán ăn trầu nghĩa là sắp về với tổ tiên rồi. Một năm trước xuống làng Sóc, tôi đi qua cổng ngõ nhà ông nhưng không vào vì đang vội. Nhưng tôi thấy ông đang lúi húi quét sân. Không biết mấy ngày nay ông có theo dõi đài báo hay tivi thông báo thầy của mình đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh không ?

 

Còn tôi lúc nào nghe một tiếng rao hay nhìn thấy người ta bán bánh giò tôi lại nhớ về ông. Tôi nhớ về một người đàn ông đội thúng bánh trên đầu, miệng nhai trầu đỏ loe loét và hai tay vung vẩy như múa chèo.

 

Tôi nhớ về những năm tháng đói rét mà chỉ mùi bánh tẻ nóng bay ra từ chiếc thúng ấy đã làm lũ trẻ con chúng tôi mê đi như bị bùa phép.

 

Cũng như tôi, khi nhắc đến ông, những người xã tôi cũng chỉ nhớ về ông như nhớ về một người làm bánh tẻ nổi tiếng một vùng.

 

Còn ông, tôi không biết nhưng lúc ngồi một mình bên hiên nhà nhai trầu, ông sẽ nhớ về những năm tháng đã ra đi khỏi đời mình như thế nào?

 

 

 

Theo Nguyễn Quang Thiều – Tuần Vietnam.net

 

Tệp đính kèm