Cập nhật: 13/04/2009 23:24:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

ND- Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương (KTTVT.Ư), năm nay, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Ðông có khả năng ảnh hưởng đến nước ta nhiều và sớm hơn quy luật và nhiều hơn năm 2008.

Trên phạm vi cả nước, lượng mưa cả mùa ở mức cao hơn hoặc gần bằng mức trung bình nhiều năm. Lượng mưa cao hơn mức trung bình nhiều năm có khả năng xảy ra ở các khu vực Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mực nước trên hệ thống sông Hồng có khả năng gần bằng mức báo động cấp ba, sông Thái Bình cao hơn mức báo động cấp ba; các sông ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên có khả năng cao hơn mức trung bình nhiều năm và cao hơn báo động cấp ba; đỉnh lũ cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Ðốc ở mức báo động cấp ba và cao hơn đỉnh lũ năm 2008.

 

Các thông tin dự báo khí hậu, thời tiết cả mùa mưa, bão cho khu vực nhiệt đới gió mùa như ở nước ta chỉ có mức độ chính xác nhất định. Vì dự báo khí hậu, thời tiết luôn là việc làm rất khó, trong khi biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng rõ nét, đã và sẽ phá  vỡ  nhiều  quy  luật  bình  thường của thời tiết ở nhiều khu vực trên trái đất, trong đó có khu vực đông nam - châu Á.

 

Chủ động đối phó những tình thế thời tiết xấu và bất lợi như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài, lũ luôn là phương châm và biện pháp hiệu quả nhất để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, cùng với việc tu bổ đê điều phải hoàn thành đúng thời hạn quy định, các bộ, ngành và các địa phương cần triển khai sớm các công việc phục vụ công tác phòng, chống lũ, bão, lũ quét. Trước mắt là nhanh chóng thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các cấp, tổ chức tập huấn, diễn tập xử lý các sự cố đê, kè, cống; diễn tập cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" trong phòng, chống, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai. Các địa phương có đê cần kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến sông, đê biển, xác định rõ các trọng điểm xung yếu để xây dựng phương án đối phó hợp lý, hiệu quả. Những yếu kém, tồn tại trong công tác phòng, chống lụt, bão như quản lý tàu, thuyền ra khơi, thiếu lực lượng và phương tiện cứu nạn, cứu hộ, các khu tránh, trú bão cho tàu, thuyền còn thiếu và chưa có giải pháp bảo đảm an toàn cho phương tiện ở nơi neo đậu cần nhanh chóng khắc phục. Cần tập trung vật tư, phương tiện bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, xây dựng quy trình vận hành hợp lý, vừa bảo đảm an toàn cho công trình vừa tham gia cắt lũ cho vùng hạ lưu nhằm giảm nhẹ áp lực cho hệ thống đê điều và hạn chế mức độ ngập lụt ở khu vực đồng bằng các tỉnh miền trung. Những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt kéo dài cần chủ động sơ tán dân khi có khả năng xảy ra mưa lớn, chuẩn bị tốt việc dự trữ lương thực, thực phẩm và thuốc men nhằm giảm nhẹ công tác cứu nạn, cứu hộ và cứu trợ về lương thực, thực phẩm.

 

Những năm gần đây, thiệt hại về tính mạng do bất cẩn trong khi xảy ra lũ, bão không ngừng gia tăng. Ðây là yếu kém trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phòng, chống và né tránh thiên tai. Nâng cao nhận thức cộng đồng là việc làm đòi hỏi phải kiên trì, mang tính xã hội hóa và đem lại hiệu quả cao trong việc giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng và tài sản.

 

Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ, ngập lụt gây ra, ngành KTTV cần nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo thiên tai, phục vụ hiệu quả hơn cho các cơ quan chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành và các địa phương.

 

 

Theo Nhân dân

Tệp đính kèm