Đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao (CNC) đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại là vô cùng to lớn. Vì thế, đào tạo nhân lực CNC đáp ứng nhu cầu xã hội là hướng đi đúng, nhằm làm thay đổi căn bản nhận thức của các cơ sở đào tạo, nhận thức của các cơ sở CNC và người học.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại “Hội thảo quốc gia Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 11/4 tại Thành phố mới – tỉnh Bình Dương.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương trên cả nước và hơn 100 DN nước ngoài đã, đang và chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam liên quan tới lĩnh vực CNC.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng: Hiện Việt Nam chưa sở hữu hay làm chủ được công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực CNC mà mới chỉ dừng ở mức làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố CNC mang tính chuyên ngành.
Thứ trưởng Bộ KHCN, Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc Nguyễn Văn Lạng nhận định: Thực trạng khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động CNC nói riêng cho thấy, cơ cấu nguồn nhân lực KHCN ở nước ta còn bất hợp lý, trình độ và chất lượng của nguồn nhân lực KHCN còn ở mức thấp, chuyên viên kỹ thuật lành nghề còn thiếu, đội ngũ cán bộ trình độ cao chưa theo kịp khu vực. Đây là một khó khăn khi Việt Nam muốn hội nhập thành công. Để giải quyết vấn đề này cần có các giải pháp hiệu quả, trong đó cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao.
Đề cập tới cơ cấu đào tạo về CNC ở Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, hiện nay cả nước có 321 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành về CNC như Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu và Công nghệ Tự động hoá/Điện tử - Viễn thông; trong đó có 128 trường đại học đào tạo các ngành CNC trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 40%) và 193 trường đại học (60 trường), cao đẳng (133 trường) đào tạo các ngành CNC trình độ cao đẳng (chiếm tỷ lệ 60%).
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Công nghệ cao chính là trình độ phát triển tại thời điểm hiện tại. Yêu cầu hàng đầu đặt ra hiện nay là các trường đại học, các viện nghiên cứu phải có cơ chế gắn với sự phát triển của công nghệ quốc tế, gắn với các doanh nghiệp ở Việt Nam, để từ đó đón đầu tri thức mới chuyển giao CNC nhanh.
Phó Thủ tướng cho rằng, từ nay đến năm 2020, chúng ta muốn có được số lượng lớn nhân lực CNC đủ tiêu chuẩn quốc tế, kỹ sư chất lượng cao, bản thân cá nhân người được đào tạo và cả cộng đồng phải rất nỗ lực để thúc đẩy các chương trình đào tạo CNC hiện có và quyết tâm xây dựng những chương trình mới. Theo đó, Phó Thủ tướng đã đề xuất 13 giải pháp cụ thể hóa về đào tạo nhân lực CNC như sau:
Thứ nhất, cụ thể hóa chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội của Chính phủ.
Thứ hai, khuyến khích và đẩy mạnh hình thành việc đào tạo có chất lượng quốc tế ở các trường đại học để có thể phục vụ được các nhu cầu đào tạo CNC.
Thứ ba, đẩy mạnh việc đào tạo theo hợp đồng, thử nghiệm các cơ chế đào tạo nhân lực cho tập đoàn Intel.
Thứ tư, khẩn trương đưa trung tâm hỗ trợ đào tạo, cung cấp nhân lực của Bộ GD-ĐT vào hoạt động.
Thứ năm, sớm hình thành các chuỗi phòng thí nghiệm trong cả nước, qua đó để có thể chuyển giao công nghệ nhanh cho các doanh nghiệp.
Thứ sáu, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thành lập trường học trên cơ sở Nghị định 69 của Chính phủ.
Thứ bảy, hình thành và tiếp tục phát huy các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động.
Thứ tám, đẩy mạnh chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ, đặc biệt chú ý tỷ lệ của nhóm ngành CNC.
Thứ chín, xây dựng chính sách để khuyến khích nhân tài đi đào tạo ở nuớc ngoài sau đó trở về xây dựng khoa học CNC.
Thứ mười, hình thành các phương tiện thông tin đặc thù như tạp chí, bản tin chuyên ngành để có sự giao lưu giữa nhà đào tạo và các DN có nhu cầu đào tạo.
Mười một, sẽ tiến hành hội nghị quốc gia hàng năm về CNC, gắn nghiên cứu, đào tạo với sử dụng của DN trong nước và quốc tế.
Mười hai, có cơ chế khen thưởng trong lĩnh vực này, khen thưởng các nhà khoa học, các nhà trường và các DN đã đóng góp công sức vào đào tạo CNC.
Mười ba, có chương trình, cơ chế khuyến khích Việt kiều, các nhà khoa học và doanh nghiệp nước ngoài đến hỗ trợ đào tạo CNC ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo lần này, Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN cùng các DN lớn và một số trường đại học uy tín đã tổ chức ký kết hợp tác đào tạo về nhân lực CNC cho một số ngành trọng điểm với tầm nhìn 2015-2020.
TheoWebsite Chính phủ