Từ lâu, vùng đất ATK Định Hoá (Thái Nguyên) được ví như "Thủ đô gió ngàn" với hơn 100 di tích lịch sử gắn với quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ... trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thưc dân Pháp (1946 - 1954).
Tại căn lán Tỉn Keo (xã Phú Đình), ngày 6/12/1953, Bác đã chủ trì cuộc họp với Bộ Chính trị quyết định mở chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của viễn chinh Pháp. Trước đó, ngay tại vùng đất chiến khu này, vào thời điểm hè - thu năm 1953, thực hiện Chỉ thị của Tổng quân uỷ Trung ương, một Trung đoàn thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong (F308) đã tiến hành diễn tập thực binh đánh trận Điện Biên Phủ ở khu vực bản Soi, xã Đồng Thịnh. Một vùng đồng ruộng, núi non đã được xây dựng thành mô hình tương tự như thực dân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên...
Bác Nông Văn Minh, năm nay đã 81 tuổi - một trong những nhân chứng ít ỏi còn lại ở Đồng Thịnh trực tiếp chứng kiến cuộc tổng diễn tập vẫn nhớ rõ: "Lúc đó vào khoảng tháng 9 ta (âm lịch), lúa vẫn xanh ngoài đồng, ở Đồng Thịnh khi đó chỉ có độ vài chục nóc nhà nên khi nhận lệnh sơ tán để bộ đội diễn tập bà con thực hiện ngay. Riêng tôi ngoài nhiệm vụ phụ trách dân công xã còn kiêm thêm cán bộ thu thuế, phụ trách bình dân học vụ... nên không phải sơ tán mà vẫn được ở lại gần nơi diễn tập. Chỉ trong khoảng 10 ngày, cả cánh đồng bản Soi đã có cả giao thông hào, lô cốt, hàng rào dây thép gai... như một trận địa thật. Khi vào diễn tập, cũng có bộc phá, mìn nổ, khói bụi mù mịt, quân ta, quân địch như thật. Sau này khi nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi mới biết chiến thắng lịch sử này đã được diễn tập ngay trên quê hương mình và cánh đồng Xìn ở nơi diễn tập được mô phỏng là cánh đồng Mường Thanh, đồi Khau Ít là đồi A1, nhánh sông Chu cạnh cánh đồng Đồng Mòn là sông Nậm Rốm..."
Đã 55 năm trôi qua, nơi diễn tập trận Điện Biên Phủ hoang vu ngày nào nay đã mang dáng dấp một miền quê trù phú: con đường nhựa phẳng lỳ chạy đến tận trung tâm xã, từ Đồng Làn đến Đồng Bo, từ Ru Nghệ đến Làng Bần... những cánh đồng sản xuất theo mô hình thâm canh lúa đặc sản hàng hoá đang xanh tốt bời bời, hệ thống mương máng dẫn nước được xây dựng kiên cố hoá vươn dài, đen xen khắp thôn trên, bản dưới. Ngay sát trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trạm y tế xã mới được xây dựng khang trang, hiện đại không kém các xã vùng thấp là mấy, điện lưới quốc gia đã về tới cả 22 thôn, bản trong xã. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tô cho biết: Mặc dù là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay đồng bào các dân tộc ở Đồng Thịnh đã áp dụng nhuần nhuyễn các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên đã nâng năng suất lúa lên trên 45 tạ/ha. Ngoài ra, bà con còn tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước phá thế độc canh cây lúa bằng việc mở rộng diện tích trồng rau màu, trồng ngô. Vài năm trở lại đây, tận dụng diện tích đất đồi, bà con còn nâng diện tích trồng chè giống mới lên gần 100 ha, sản lượng đạt hơn 360 tấn/năm. Bên cạnh đó, trong nhiều năm trở lại đây, bà con đã phát huy các nghề truyền thống như: dệt mành cọ, cơ khí nhỏ, mộc gia dụng, chế biến lâm sản... mỗi năm đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 2 tỷ đồng... Từ những thành công bước đầu trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Thịnh giảm trung bình trên 4%/năm và hiện còn dưới 30%, số hộ có mức sống khá giả cũng lên hơn 30%; thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/năm; xã đã cơ bản xoá nhà tạm nhà dột nát cho các hộ nghèo. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, Đồng Thịnh cũng có những chuyển biến tích cực với 60% số hộ đạt danh hiệu "gia đình văn hoá", 4 thôn bản đạt danh hiệu khu dân cư tiến tiến cấp huyện, cả xã không còn tình trạng trẻ em thất học, bỏ học, số trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 23%, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng cac sbiện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 70%... Đáng mừng hơn, tuy là xã trong vùng ATK được nhà nước ưu tiên đầu tư lớn về phát triển cơ sở hạ tầng nhưng đồng bào các dân tộc ở Đồng Thịnh không trông chờ, ỷ lại mà chủ động đóng góp vốn đối ứng (20%) để hoàn thành dứt điểm công trình trường tiểu học, kiên cố hoá kênh mương tuyến đập Pác Cáp và đập Thác Lầm. Đặc biệt 100% số hộ dân ven tuyến đường liên thôn Nà Lẹng - An Thịnh 2 còn tự nguyện hiến đất, không lấy tiền giải phóng mặt bằng để công trình hoàn thành đúng tiến độ, góp phần làm cho quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp...
Rời Đồng Thịnh trên cây cầu Đèo Toọt - cây cầu được coi là "cầu Mường Thanh" trong cuộc diễn tập năm xưa vẫn thấy như còn đâu đây một Điện Biên thu nhỏ, gợi nhớ đến những tháng ngày kháng chiến hào hùng, anh dũng. Chỉ hơi tiếc rằng di tích này cùng với các di tích khác trên đất Đồng Thịnh như: Xưởng quân giới, Nhà máy in quân đội, Cục quân pháp... đã mai nột quá nhiều và chưa có được một kế hoạch bảo tồn, phục dựng tương xứng với giá trị lịch sử vốn có của nó./.
TTXVN