Cập nhật: 07/05/2009 06:48:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đông xuân 1953-1954, Bộ Chính trị xác định phương châm chiến lược giai đoạn này của cuộc kháng chiến là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, dùng lực lượng chủ lực tấn công vào sơ hở của địch, nhất là ở vùng rừng núi Tây Bắc.

Mở chiến dịch Tây Bắc cũng là để phá tan kế hoạch Na Va, kéo dãn lực lượng  địch khỏi vùng đồng bằng Bắc và Trung Bộ. Trong khi đó, để giữ Tây Bắc, tránh cho chiến trường Thượng Lào không bị cô lập đồng thời thu hút và tiêu diệt chủ lực của ta, Pháp nhảy dù xuống Điện Biên phủ, xây dựng đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 49 cụm, liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống phòng ngự dày đặc trên diện tích 40km2. Đầu năm 1954, Điên Biên phủ trở thành chiến trường đối đầu chiến lược giữa ta và địch, quyết định cuộc chiến Đông Dương đang vào giai đoạn đỉnh cao.

 

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt gian khổ, hàng nghìn chiến sĩ, dân công, nhân dân đã ngã xuống; hàng vạn người khác bị thương cùng vô vàn hi sinh, đóng góp khác, chiến dịch Điện Biên phủ đã toàn thắng. Chiến thắng Điện Biên phủ là cột mốc lịch sử đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ hàng triệu người trên thế giới đứng lên làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của thực dân vì độc lập, tự do. Chiến thắng Điện Biên phủ đã đánh bại hoàn toàn ý chí, lực và thế của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, giải phóng nửa nước, làm bàn đạp tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Chiến thắng đó thể hiện sự lãnh đạo tài tình, chủ động, sáng tạo của Đảng và Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiến thắng của tư tưởng không có gì quí hơn độc lập tự do, của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân cả nước hết lòng tin tưởng Đảng và Chính phủ, hi sinh sức người, sức của vì cách mạng. Chiến thắng Điện Biên phủ còn là chiến thắng của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, cùng chung một lý tưởng, một mục đích cách mạng.

 

Điện Biên phủ trở thành đất chết của đội quân xâm lược một phần rất quan trọng là do toàn bộ việc tiếp tế phải dựa vào đường không, nếu bị cắt đường không, Điện Biên phủ sẽ bị cô lập. Nhưng khó khăn hậu cần của thực dân Pháp đồng thời cũng là khó khăn của phía ta. Nhu cầu cho chiến trường rất lớn trong khi đường vận chuyển xa xôi, khó khăn lại thường xuyên bị đánh phá ác liệt. Nhận rõ điều này, Chính phủ đã phát động quần chúng đóng góp sức người, sức của cho chiến trường. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam nô nức tòng quân, đi dân công và bằng nhiều con đường, nhiều loại phương tiện từ đôi vai, xe đạp thồ, thuyền độc mộc… cùng với xe ô tô nước bạn viện trợ đã vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang quân dụng phục vụ tiền tuyến. Tại hội nghị tổng kết công tác phục vụ chiến dịch, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đọc báo có nêu rõ để phục vụ cho chiến dịch, đồng bào cả nước đã đóng góp 260.000 dân công ( khoảng 14 triệu ngày công), 21.000 thuyền mảng, 21.000 xe đạp thồ, 10.000 ngựa thồ, vận chuyển 27.000 tấn gạo, 1.000 tấn thịt và hàng chục nghìn tấn thuốc men, súng đạn, quân trang, quân dụng lên chiến trường. Biết bao gương hi sinh anh dũng, biết bao kỳ tích đã được lập từ đội quân này  đã góp phần to lớn vào chiến thắng.

 

Chiến thắng Điện Biên phủ cũng là chiến thắng của Việt Nam, chiến thắng của đường lối quân sự Việt Nam tôn trọng thực tế, không chủ quan duy ý chí, phát huy tính chủ động sáng tạo Việt Nam từ thực tiễn chiến trường. Chính từ quan điểm quân sự nhân văn của Đảng đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh nên chúng ta đã thay đổi cách đánh, thời gian đánh, mới “kéo pháo vào, kéo pháo ra”, mới phát hiện cách “đánh lấn” hiệu quả và tiết kiệm xương máu chiến sĩ nên tổn thất tuy không nhỏ nhưng đó là mức thấp nhất phải chấp nhận để có chiến thắng trong chiến thuật công kiên đánh phòng ngự hiếm có trong lịch sử.

 

Chúng ta cũng vô cùng biết ơn sự giúp đỡ chí tình và hết sức có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và bè bạn năm châu cả về vật chất và tinh thần để Việt Nam chiến thắng.

 

Nhưng yếu tố quyết định nhất làm nên chiến thắng Điện Biên phủ là lòng yêu nước nồng nàn của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, tôn giáo mà tiêu biểu là những người bộ đội trực tiếp cầm súng, những người dân công trên chiến trường, những người “chia lửa” với Điện Biên phủ trên các mặt trận. Sự hi sinh to lớn, vô giá của họ mãi mãi là tấm gương sáng ngời trong trang sử vàng dựng nước và giữ nước Việt Nam.

 

Năm mươi lăm năm, hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua. Từ một nước tràn ngập khói lửa chiến tranh, giờ đây Việt Nam đang xây dựng và phát triển trong hòa bình, đang vươn lên để “sánh vai cùng bè bạn năm châu” như Bác Hồ mong mỏi. Tuy mục tiêu và hoàn cảnh khác nhau nhưng những bài học và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên phủ còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Bài học đó là đoàn kết toàn dân tộc, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh nội lực và ngoại lực vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó cũng là bài học không ngừng củng cố và nâng cao sức chiến đấu, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng để Đảng luôn gần dân, được dân tin tưởng. Được dân tin tưởng và ủng hộ, chắc chắn chúng ta sẽ giành được những chiến thắng Điện Biên phủ mới trong xây dựng hòa bình./.

 

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm