Cập nhật: 17/06/2009 05:56:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 15-6, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII bước vào ngày làm việc thứ 22 thảo luận các dự án luật. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật KBCB và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH về luật này.

 Các đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), Trần Văn Bản (Bình Ðịnh), Huỳnh Nghĩa (TP Ðà Nẵng), Triệu Thị Bình (Yên Bái)..., cho rằng, các cơ sở KBCB hiện nay đang tồn tại nhiều loại hình khác nhau như cơ sở KBCB công lập, tư nhân, liên doanh, liên kết giữa công và tư, giữa cơ sở y tế trong nước và nước ngoài... Vì vậy, cần có luật quy định thống nhất về KBCB cho tất cả các loại hình nói trên. Mặt khác, việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay đang được khuyến khích, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội để nâng cao chất lượng KBCB và cải thiện đời sống cán bộ y tế. Ðại biểu Trần Thị Hằng (Nam Ðịnh) cho rằng, Luật KBCB được QH thông qua góp phần tạo ra môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KBCB của Nhà nước với cơ sở KBCB tư nhân, đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một số đại biểu QH đề nghị, Nhà nước cần dành tỷ lệ ngân sách thỏa đáng cho công tác KBCB đối với các đối tượng là người khuyết tật và trẻ em, đồng thời quan tâm đến nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng núi cao và hải đảo. Ðại biểu Võ Thị Dễ (Long An) đề nghị cần quan tâm chính sách đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là chính sách đào tạo cán bộ y tế cho các vùng, miền còn thiếu cán bộ y tế như vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

 

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về nội dung chương VII, liên quan việc xác định rủi ro và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực KBCB. Ðây là một trong những vấn đề lớn, không chỉ người hành nghề KBCB, mà người bệnh cũng rất quan tâm. Về thời gian thành lập Hội đồng chuyên môn kỹ thuật và Hội đồng xác định có sai sót hay không có sai sót trong quá trình KBCB, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng, dự thảo quy định trong thời hạn tối đa 5 ngày đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, 10 ngày đối với thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về y tế, quản lý trực tiếp các hình thức hành nghề khác và trong thời hạn 30 ngày kể từ khi thành lập Hội đồng, Hội đồng phải họp. Như vậy, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được đơn khiếu nại của người bệnh cho tới khi ra quyết định khiếu nại lần đầu phải từ 35 đến 40 ngày, điều này không phù hợp với Ðiều 36 Luật Khiếu nại, tố cáo, quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết khiếu nại. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định lại trong luật cho phù hợp...

 

Kết thúc phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết: Dự án Luật KBCB đã có 159 ý kiến phát biểu của đại biểu QH tại tổ, và 27 đại biểu phát biểu tại hội trường, điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của QH đối với dự luật này. Với trách nhiệm của mình, các đại biểu đã phát biểu thẳng thắn, chân thành, coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm trước nhân dân và cử tri, để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Một trong những vấn đề quan trọng được Phó Chủ tịch QH lưu ý, đó là vấn đề y đức. Ðây là nội dung được các đại biểu QH và nhân dân rất quan tâm, là một đòi hỏi rất cao đối với ngành y tế, các y sĩ, bác sĩ, thầy thuốc, công nhân viên kỹ thuật trong ngành y tế. Ðề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cách thể hiện rõ hơn, kể cả quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở KBCB, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực ngành y tế, trách nhiệm đối với những người có vi phạm. Ðề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu những nội dung này vào trong dự thảo Luật và giải trình trước QH. Phó Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để khi ban hành luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác.

 

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tần số vô tuyến điện (TSVTÐ). Ở các tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, nhận thấy, hầu hết các đại biểu cho rằng, bước vào thời kỳ bùng nổ sử dụng TSVTÐ như hiện nay, một số quy định, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, như: công tác quy hoạch TSVTÐ, phân bổ tài nguyên tần số VTÐ, sử dụng, lựa chọn công nghệ, kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy phép sử dụng, đấu giá quyền sử dụng TSVTÐ. Do đó, các đại biểu nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết ban hành Luật TSVTÐ, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng TSVTÐ, tuân thủ các điều ước quốc tế về TSVTÐ, các quy định của Liên minh viễn thông quốc tế và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

 

Một số đại biểu cho rằng, đây là lĩnh vực quản lý chuyên ngành, nhưng phạm vi, đối tượng cần điều chỉnh lại rất rộng và liên tục phát sinh trong đời sống, xã hội. Vì vậy, cần quy định những điều, khoản cụ thể, chặt chẽ về kỹ thuật chuyên sâu và phục vụ công tác quản lý Nhà nước đối với mọi đối tượng thu - phát TSVTÐ, đồng thời bảo đảm thống nhất với quy định của Liên minh viễn thông quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ðề nghị bổ sung nội dung về hỗ trợ việc sử dụng TSVTÐ cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phục vụ quốc phòng, an ninh.

 

Một số đại biểu nhất trí thành lập Ủy ban TSVTÐ để thực hiện chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp quản lý và sử dụng TSVTÐ; đề nghị cần quy định rõ hơn vai trò, chức năng của Ủy ban này, tránh chồng chéo với chức năng tham mưu chính sách, quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Một số đại biểu đề nghị cần quy định thanh tra TSVTÐ là thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thanh tra; đồng thời làm rõ chức năng thanh tra chuyên ngành về TSVTÐ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Có ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm quản lý an toàn bức xạ VTÐ. Ðây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm, cần quy định cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Cần quy định việc áp dụng phương thức đấu giá quyền sử dụng TSVTÐ đối với các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, khi nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ các băng tần số, kênh tần số đó và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về đấu giá. Một số ý kiến cho rằng, quy định về đấu giá quyền sử dụng TSVTÐ là phù hợp cơ chế thị trường, nhưng đây là vấn đề mới, khó và khá nhạy cảm. Vì vậy, cần quy định trong Luật để bảo đảm tính khả thi, không làm tăng giá dịch vụ cho người dân và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Về vấn đề phí và lệ phí sử dụng tần số, một số ý kiến cho rằng, TSVTÐ là tài nguyên viễn thông, nhưng không phải có sẵn để khai thác, sử dụng được ngay mà chỉ sử dụng được thông qua các ứng dụng công nghệ và hoạt động quản lý. Việc sử dụng TSVTÐ không thể quy thành sản lượng thương phẩm khai thác để tính thuế. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng không quy định về thuế tài nguyên tần số mà chỉ quy định phí sử dụng tần số. Vì vậy, Dự thảo Luật chỉ quy định về phí tần số và các nguyên tắc xác lập phí và lệ phí sử dụng tần số là phù hợp. Về quản lý, sử dụng TSVTÐ trong hợp tác quốc tế, một số đại biểu đề nghị, cần cân nhắc kỹ phương thức hợp tác, mức độ mở cửa thị trường để không bị thua thiệt và bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 

 

Theo Báo ND

Tệp đính kèm