Cập nhật: 18/06/2009 06:31:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Một số bài báo bình luận, Chính phủ đưa ra tăng (giá xăng, điện, học phí) đều cho là phù hợp, là hợp lý, nhưng với người dân thì dù là tăng cái gì cũng thấy không hợp lý. Phó Thủ tướng suy nghĩ như thế nào về nhận định trên?"

Đây là chất vấn của ĐB Vi Thị Tuyết (Nghệ An) với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 13/6.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đăng đàn để làm rõ thêm một số vấn đề có tính chất chung liên quan đến việc quản lý, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng sau khi các Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ trả lời chất vấn.

 

Dân cư mà yếu thế thì được nhà nước hỗ trợ

 

ĐB Vi Thị Tuyết (Nghệ An) thắng thắn hỏi: "Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp để kích cầu chống suy giảm kinh tế. Vậy mà chính thời điểm này lại tăng giá xăng, tăng giá điện và đề nghị tăng học phí.

 

Một số bài báo đã bình luận rằng, bất cứ giải pháp nào mà Chính phủ đưa ra tăng đều cho là phù hợp, là hợp lý, nhưng với người dân thì dù là tăng cái gì cũng thấy không hợp lý. Phó Thủ tướng suy nghĩ như thế nào về nhận định trên?"

 

Trả lời ĐB Vi Thị Tuyết, Phó Thủ tướng cho rằng, chủ trương nhất quán của chúng ta điều hành nền kinh tế theo quy luật của kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta kiên trì nhất quán thực hiện điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường, nhưng đồng thời có chính sách để giải quyết cho đối tượng yếu thế gặp khó khăn khi thực hiện nguyên tắc này.

 

"Tại sao lại cần có chủ trương đó, các đồng chí biết, tôi nói ví dụ, xăng dầu là rất rõ. Chúng ta không có sản xuất ra được đủ dầu, bây giờ mới được công suất là 5 - 6 triệu nhưng cũng mới được vài ba triệu trong năm nay, nhưng chúng ta cần tới 13, 14, 15 triệu và trong quá trình phát triển thì chúng ta còn cần nhiều hơn. Chúng ta xây dựng kinh tế bên trong làm các nhà máy lọc dầu, nhưng chúng ta vừa buộc phải nhập khẩu, cũng nói luôn với đồng chí Tuyết là chúng ta cũng buộc phải xuất khẩu vì chúng ta chưa chế biến được".

 

Phó Thủ tướng đặt lại câu hỏi: "Giá cả do thị trường quốc tế, chúng ta bán theo giá quốc tế, chúng ta nhập về cũng phải theo giá quốc tế và giá này chúng ta bù lỗ mãi được không?".

 

Ông dẫn chứng, năm ngoái chúng ta đã bù lỗ theo phương án giá dầu tiếp tục ở mức trên 100 đô la Mỹ một thùng, chúng ta phải bù lỗ tới 7 - 8 chục ngàn thì ngân sách Quốc gia không chịu được cho nên phải chia sẻ. Về mặt kinh tế thì giá nước ngoài như Campuchia vẫn 15 - 16 nghìn; giá ở Trung Quốc là 16 - 17 nghìn/1 lít xăng. Chúng ta có lực lượng để bịt xăng dầu chạy ra các cửa khẩu, hơn nữa kinh doanh không theo giá thị trường thì méo mó hết giá thành, méo mó hết chất lượng.

 

Theo nguyên tắc thị trường thì chúng ta đồng thời giải quyết bù, hỗ trợ, đây chính là vai trò của Nhà nước chúng ta phải làm việc đó để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong nguyên tắc thị trường.

 

"Các nước phát triển nguyên tắc thị trường mà hiểu theo thị trường tự do thì dân chịu. Chúng ta bộ phận dân cư mà yếu thế thì được Nhà nước hỗ trợ, ví dụ xăng dầu chúng ta đã hỗ trợ; điện điều chỉnh như vậy chúng ta cũng đã và đang hỗ trợ. Như tôi vừa trình với Quốc hội vào khoảng 23% dưới giá trung bình trở xuống nhà nước phải bù lỗ. Chủ trương này tôi xin đề nghị đồng chí Tuyết và Quốc hội nhất quán nguyên tắc đó để chúng ta tiếp tục điều hành" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được!

 

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) hỏi: "Năm 2008 khi bảo vệ trước Quốc hội tỷ lệ bội chi ngân sách bằng 5% GDP, Chính phủ cho rằng không để vượt quá 5% vì sẽ ảnh hướng đến an ninh tài chính Quốc gia, tỷ lệ này thường từ 3 đến 4%. Nay Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách lên tới 7% cộng thêm 145.000 tỷ kích cầu, khoảng 9% GDP, như vậy thâm hụt ngân sách của nước ta sẽ là 16%. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết mức bội chi này có nguy hiểm đến an ninh tài chính Quốc gia hay không và Chính phủ có giải pháp gì cho vấn đề này?".

 

Theo Phó Thủ tướng, đã bội chi là nguy hiểm, bội chi tức là mất cân đối, sức chúng ta có vậy mà chúng ta muốn chi nhiều hơn thì phải tìm cách kiếm tiền. Nhưng bội chi cũng có mặt tích cực của nó, bội chi để phát triển hay bội chi để ăn tiêu, để tiêu dùng.

"Quốc hội, Chính phủ chúng ta đang thực thi con đường có bội chi một cách hợp lý trong mức nợ an toàn Quốc gia cho phép để phát triển, vay mà làm ăn được thì tôi thấy đấy là điều thông thường, các nhà sản xuất cũng như dân cư của chúng ta vay mà làm được thì tốt quá. Nhưng vay mà không trả nợ được làm mất cân đối thì gay quá, nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô".

 

Trả lời các chất vấn khác liên quan đến bội chi ngân sách, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, diễn biến giá dầu thô trong những ngày gần đây có xu hướng tăng lên và yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế và đề phòng lạm phát cao trở lại thì mức bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được.

 

Cũng tại buổi chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khắc phục kịp thời các vướng mắc, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp và tổ chức kiểm tra chặt chẽ, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, sử dụng các nguồn vốn kích cầu sai mục đích và lãng phí.

Sau khi được QH phê chuẩn những sửa đổi về một số điều luật liên quan đến đầu tư và xây dựng, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện, tạo bước đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án; chấn chỉnh tất cả các khâu trong đầu tư và xây dựng, bảo đảm chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí.

 

Cũng theo Phó Thủ tướng, đối với nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ sẽ giao Bộ Tài chính căn cứ tiến độ thực hiện các dự án để phát hành, không để tồn đọng vốn.

Về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại hình bảo hiểm nông nghiệp, trước hết là bảo hiểm nông sản xuất khẩu; áp dụng cơ chế giá sàn định hướng đối với sản phẩm nông nghiệp, trước mắt là lúa, gạo.Ngoài phần báo cáo chung của Phó Thủ tướng thì đã có 10 lượt ý kiến của 9 ĐB Quốc hội chất vấn trao đổi. Ngoài ra, còn 7 vị đại biểu đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng.

 

Kết luận phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua 2,5 ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường - một kỳ chất vấn có thể nói tiếp tục có những đổi mới, cải tiến tương đối sôi động và có chiều sâu với sự có mặt của 95,7% tổng số đại biểu Quốc hội, sự tham gia của hầu hết các vị Bộ trưởng, trưởng ngành là thành viên của Chính phủ.

 

Theo đó, có 255 chất vấn bằng văn bản của 125 đại biểu ở 50 đoàn đại biểu và 106 lượt ý kiến trong số 148 đại biểu đăng ký, chất vấn, trao đổi trực tiếp tại Hội trường.

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị được trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa, thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, tích cực khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau.

 

Đồng thời, đề nghị với Quốc hội cho phép Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được tiếp tục tổ chức một số phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giữa hai kỳ họp, trên cơ sở danh sách một số vị đại biểu, một số vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ hoặc là người đứng đầu nhận được chất vấn, nhưng chưa có điều kiện trả lời chất vấn tại kỳ họp này. 

 

 

 Theo VTC

Tệp đính kèm