Những trận mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc mấy ngày vừa qua, đã hình thành một đợt lũ lớn đầu tiên của mùa mưa, bão năm 2009.
Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa, lũ này, chúng ta phải sớm quan tâm tới việc đề ra một số biện pháp chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp mùa mưa bão đang đến.
Trong năm ngày, từ 3 đến 7 tháng7, đã xẩy ra mưa trên diện rộng, đều khắp ở khu vực miền núi phía Bắc, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200mm, một số nơi hơn 300 mm. Mưa lũ đầu mùa, đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân ở một số địa phương miền núi phía Bắc. Hậu quả của mưa, lũ gây ra, đang được các ngành, các cấp, tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương cùng với nhân dân chung sức, khẩn trương khắc phục hậu quả, tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết chủ động đối phó diễn biến lũ trên các triền sông, lũ quét, sạt lở đất, tập trung lực lượng sớm khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, làm tốt vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ các gia đình bị nạn, chủ động sử dụng ngân sách địa phương, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của vùng bị thiên tai. Các bộ, các ngành có liên quan, có biện pháp giúp các địa phương chống lũ và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Đợt mưa, lũ lớn đầu tiên của mùa mưa, bão năm nay diễn ra ở miền núi phía Bắc cho thấy, do sự biến đổi của khí hậu, tình hình diễn biến mưa lũ, thiên tai còn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Thông thường, các đợt mưa, lũ ở miền Bắc, nhất là miền núi phía Bắc thường xẩy ra sau các cơn bão từ biển Đông đổ bộ vào đất liền vùng biên giới Việt –Trung, nhưng lần này không có áp thấp nhiệt đới, cũng như không có bão từ biển Đông vào, chỉ có mưa liên tiếp đổ xuống trong ngày liền
Từ tình hình trên cho thấy, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ đang xẩy ra, chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực, có hiệu quả, sẵn sàng, chủ động đối phó trong mùa mưa bão đang đến gần. Trước mắt cần tập trung vào một số biện pháp sau đây:
Một là, cần nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác dự báo thời tiết. Ai cũng biết rằng, đã là dự báo thì không thể chính xác 100% được, nhưng yêu cầu của cuộc sống muốn có sự chính xác càng sát với những thực tế xẩy ra càng tốt. Chúng ta không thể phủ nhận, trong mấy năm gần đây, do ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự phối hợp với một số Đài khí tượng thuỷ văn một số nước trong khu vực, trong công tác dự báo thời tiết, dự báo bão của chúng ta có những tiến bộ vượt bậc. Chúng ta đã phát hiện được khá chính xác và giám sát được những cơn bão từ khi mới hình thành trên biển Đông, cho đến khi cơn bão tan. Quá trình hình thành và đến khi kết thúc một cơn bão đều được thông tin đến các tầng lớp nhân dân.Tuy nhiên cũng không ít trừơng hợp, bão và áp thấp nhiệt đới ở xa thì dự báo chính xác, nhưng khi bão vào gần và sát đất liền thì độ chính xác của dự báo càng giảm đi. Trước khi xẩy ra, đợt mưa lũ ở miền núi phía Bắc mới đây, dường như các đia phương ở khu vực trên không nhận được thông tin gì về cấp độ của đợt mưa lũ này, mà chỉ nhận được lời cảnh báo ngắn gọn qua buổi phát thanh Dự báo thời tiết của Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt nam “ Vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc có thể có mưa rải rác, cần đề phòng lốc tố, sạt lở đất”! Và không phải ai cũng nghe được những thông tin ngắn ngủi, chưa mang tính pháp lý cao như trên. Vì vậy, cũng do phần chủ quan, tắc trách cho nên không ít nơi ở miền núi phía Bắc vừa qua rất bất ngờ với đợt mưa lũ đầu mùa này. Nhiều cấp huyện, xã xử lý và đối phó rất lúng túng.
Hai là, cần nâng cao hơn nữa công tác thông tin truyền thông đến các tầng lớp nhân dân trước và sau khi thiên tai, lũ lụt xẩy ra. Hiện nay, với sự bùng nổ của thông tin, ngoài máy thu thanh, thu hình, hầu như gia đình nào của Việt Nam cũng có. Đối với những tàu thuyền đánh cá trên biển, ngoài những phương tiện thông tin thông thường, họ còn có máy bộ đàm để nhận được thông tin về dự báo thời tiết của mạng lưới thông tin ven biển của ngành hàng hải. Đó là những phương tiện rất tốt để tiếp nhận các nguồn thông tin. Tuy nhiên hiệu quả của việc thông tin này chưa phát huy được hết tác dụng. Nhất là ở miền núi, người làm nghề trên biển khi bão to, sóng lớn xẩy ra các phương tiện thông tin bị đình trệ. Ở miền núi khi, khi nước ngập mấp mé mái nhà, điện bị mất, giao thông không thông suốt, điều này cho thấy, chính quyền các cấp, nhất là Ban chỉ huy phòng chống bão lụt, nên có dự phòng một hệ thống thông tin thủ công là người trực tiếp mang các lệnh thông tin đến với người dân.
Ba là, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt các cấp cần nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác điều hành. Bắt đầu vào mùa mưa bão tất cả phải có người trực 24/24. Công tác thực hiện “bốn tại chỗ”, phải được chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu đặt ra và phải được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Thiếu gì phải được bổ sung kịp thời. Các phương án, phòng chống bão lụt, cứu nạn, cứu hộ của mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh phải được luyện tập và hoàn chỉnh, để đối phó có hiệu quả mọi tình huống xẩy ra.
Bốn là, các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng, phải thường xuyên quán triệt cho các thành viên trong tổ chức của mình và tuyên truyền giáo dục, thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân có ý thức và tinh thần trách nhiệm trước sự diễn biến khôn lường của thời tiết, bão lũ. Kiên quyết không để xẩy ra tình trạng chủ quan khinh xuất trong mùa mưa bão diễn biến phức tạp đang đến gần.
Đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mới là dạo đầu của mùa mưa bão diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu mang đến. Chúng ta cần chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng chấp nhận, chủ động đối phó có hiệu quả các đợt mưa lũ sắp tới, nhằm giảm thiểu hạn, chế đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra./.
Theo ĐCSVN