Cập nhật: 04/08/2009 06:36:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Biểu hiện rõ nhất trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu đối với mùa mưa bão năm nay ở nước ta là thời tiết diễn biến thất thường. Từ đầu mùa mưa, bão đến nay, nhiều địa phương ở nước ta, nhất là các vùng núi phía bắc đã phải đối phó với những diễn biến khó lường của thời tiết.

Mấy ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2009, thời tiết diễn biến thất thường, ở đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc, mưa dông nhiều trải rộng trên toàn vùng Bắc Bộ. Tình trạng này đang tiếp tục kéo dài do dải tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ hoạt động mạnh. Mưa rào và dông rải rác sẽ kéo dài mấy ngày liền trên toàn bộ miền Bắc và Bắc Trung bộ. Trong khi đó, một vùng áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão đang hình thành từ vùng biển Phi-líp-pin và đi theo hướng tây, tây bắc hướng vào nước ta.

 

Trước đó những ngày đầu và giữa tháng bảy, các tỉnh đồng bằng và ven biển miền Bắc đã phải đương đầu với cơn bão số 4. Các tỉnh miền núi phía Bắc đã phải gánh chịu một đợt mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, gây sạt lở núi, một số nơi xẩy ra lũ ống, lũ quét làm chết và mất tích hơn 30 người, nhiều tài sản và hoa màu của Nhà nước và nhân dân bị thiệt hại.

 

Không chỉ có các địa phương ở miền Bắc, mà những ngày cuối tháng bảy, mưa, lũ cũng tiếp tục gây thiệt hại tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh, thành phố như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh...có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã lên mức báo động 1-2. Do mực nước sông Tiền, sông Hậu lên bình quân 2-4cm/ ngày làm cho hai tỉnh đầu nguồn lũ là An Giang và Đồng Tháp lên cao.Tại Đồng Tháp, mưa, lũ kéo dài cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về mạnh đã làm sạt lở một số đoạn bờ sông ở hai xã Long Khánh A và Long Thuận huyện Hồng Ngự làm hàng chục nhà dân phải di dời khẩn cấp. Tại xã Long Thuận, một đoạn đường nhựa dài khoảng 50 m bất ngờ bị đổ ụp xuống sông ăn sâu vào đất liền 4-5 m và đang tiếp tục lở thêm mỗi ngày. Đến nay tổng chiều dài tuyến đường bị sạt lở 800m, làm ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Ban chỉ huy PCLB Cà Mau cho biết. mưa lớn kéo dài trong gần 10 ngày làm hai người mất tích, sập và tốc mái 80 căn nhà, cuốn trôi 360 miếng đáy của của ngư dân, chìm bảy tàu, hơn 760 ha lúa hè thu, mạ mùa và hàng chục ha hoa màu bị ngập úng, hơn 2227 ha nuôi tôm, cá chìm trong nước. Ở Sóc Trăng, mưa lớn làm 50 nhà tốc mái, sập đổ, một người bị sét đánh chết, ba người bị thương. Nếu tính từ đầu mùa mưa đến nay, tỉnh đã có 210 nhà bị hư hại, trong đố có 50 nhà sập đổ hoàn toàn. Tại xã Đam P’Loa, huyện Đa Huoai ( Lâm Đồng) xảy ra lũ bất ngờ cuốn mất tích một người vào chiều 28-7 là chị Ka Hém 25 tuổi ngụ tại thôn 3 của xã này đã mất tích trên suối Đa-Huoai đang trên đường đi hái măng từ rừng về. Theo đó, ngày 28-7, chị Ka-Hém cung 10 người khác vào khu vực rừng sâu giáp ranh giữa xã Đam P’Loa và xã Đoàn Kết hái măng. Lúc quá trưa mọi người lần lượt ra về và khi đang qua suối thì lũ rừng ập về. Những người đi cùng kịp thoát lên bờ, riêng chị Hém bị lũ cuốn trôi. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn huyện Đa-Huoai cử người đến hiện trường tìm kiếm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đang gặp khó khăn vì lũ rừng tiếp tục dâng cao và địa điểm xẩy ra tai nạn lại ở trong rừng sâu, trong khi trời bắt đầu tối. Đến 16 giờ cùng ngày, 10 người trong đoàn đi lấy măng cùng chị Ka-Hém đang bị kẹt ở bên kia suối Đa-Huoai và hiện chưa có thông tin gì cụ thể về nhóm người này.

 

Từ tinh hình thực tiễn những tháng đầu mùa mưa, bão năm nay cho thấy, diễn biến thời tiết hết sức phức tạp. Việc đối phó với mưa, lũ, nguy cơ lũ quét và nguy cơ sạt lở đất đối với các tỉnh miền núi phải luôn trong tình trạng thường trực . Đối với mỗi địa phương phải nhanh chóng kiểm tra, rà soát các khu dân cư vùng trũng thấp, vùng ven sông, ven suối và vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở sẵn sàng sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Đối với các hồ chứa nước, phải thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo an toàn. Trong tổ chức chỉ đạo, phải chuẩn bị và thông báo cho nhân cá khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa lũ, chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau phải hoàn thiện hệ thống thông tin, liên lạc kịp thời hướng dẫn các tàu thuyền và vào nơi trú, tránh bão an toàn, sắp xếp neo đậu tránh va đập, gây đắm tàu, không để người trên các tàu thuyền và lồng bè (kể cả tàu thuyền du lịch), chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn hàng hoá và các thiết bị trên các bến cảng và sơ tán dân ra khỏi những căn nhà không an toàn trước khi bão đổ bộ. Đối với các đô thị lớn, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thì việc chống ngập úng, đảm bảo cho việc đi lại của người dân thông suốt, an toàn trong mùa mưa, lũ là nhiệm vụ cấp thiết nhất. Đối với các bộ, các ngành có liên quan phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình trước dân trong mùa mưa, lũ năm nay. Bộ Giao thông vận tải bố trí các trang thiết bị và nhân lực tại các tuyến đường xung yếu khu vực miền núi để chủ động xử lý, ứng cứu giao thông. Bộ Công thương bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thuỷ điện, các khu khai thác khoáng sản và chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để cung ứng cho các vùng bị thiên tai. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng để thực hiện cấm biển và hướng dẫn kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền, chuẩn bị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônphối hợp với các địa phương hướng dẫn sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè, các hồ chứa thuỷ lợi...Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo thời tiết đẩm bảo độ chính xác càng cao càng tốt.

 

Cho đến nay mùa mưa bão ở nước ta mới chỉ bắt đầu, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết đã và đang xảy ra, đòi hỏi mỗi người không chủ quan, lơ la nêu cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đến mức cao nhất nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất do hậu quả của thiên tai gây ra.

 

 

 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tệp đính kèm