Cập nhật: 08/08/2009 05:58:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tối 6-8, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 19 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,4 độ vĩ bắc; 110,4 độ kinh đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) 250 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ðến 19 giờ ngày 7-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 109,6 độ kinh đông, trên bờ biển phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.

 

Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông, suối, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía bắc. Hiện nay, hồ Hòa Bình vẫn mở hai cửa xả đáy. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Dự báo: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Ðến ngày 9-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,05 m (trên báo động 1 là 0,05 m); tại Châu Ðốc lên 2,45 m (xấp xỉ báo động 1); tại các trạm chính ở vùng Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên dao động ở mức báo động 1, có nơi trên báo động 1.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có công điện số 23 điện  giám đốc Sở NN và PTNT các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, mực nước,  sẵn sàng vận hành các cống, trạm bơm tiêu nước và chống úng. Hiện nay, các đoàn công tác của bộ tiếp tục đến các địa phương đôn đốc và phối hợp chỉ đạo công tác đối phó bão, lũ.

 

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo biên phòng các tỉnh tuyến biển, phối hợp chính quyền địa phương, ngành thủy sản và gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thống kê, kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để đưa tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vào nơi trú tránh an toàn. Ðến nay, đã thông báo, kêu gọi, hướng dẫn và kiểm đếm 16.328 phương tiện, bè mảng, chòi canh với 90.924 lao động, trong đó hoạt động, neo đậu ở vùng biển Quảng Ninh - Nam Ðịnh 5.717 tàu (23.512 lao động), khu vực quần đảo Hoàng Sa 29 tàu (438 lao động), ven bờ, các vùng biển khác và neo đậu tại bến 10.582 tàu (66.474 lao động).

 

Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn Lào Cai đã có mưa và giông lốc, với lượng mưa bình quân 80 mm; có nơi hơn 100 mm. Ðã xảy ra lũ trên toàn bộ hệ thống sông suối trong tỉnh biên độ 1,5-2,5 m. Tại xã Nghĩa Ðô, huyện Bảo Yên, lũ đã cuốn theo cát và rác vùi lấp hàng chục ha lúa mới cấy. Theo dự báo, khu vực Tây Bắc những ngày tới vẫn còn có mưa to đến rất to. Ban chỉ huy PCLB tỉnh tăng cường kiểm tra, sơ tán người dân dưới chân đồi, núi, ven suối khe có độ dốc lớn đến nơi an toàn, đề phòng mưa lớn, gây lũ quét bất ngờ, sạt lở đất đá.

 

Cơn mưa lớn kéo dài gần 4 giờ  vào sáng 6-8 đã làm nhiều tuyến đường ở TP Ðiện Biên Phủ bị ngập trong nước. Các tuyến đường bị ngập nặng là 7-5, đường 279, đường Trường Chinh... Trong đó, tuyến đường 279 và tuyến đường 7-5 có nhiều đoạn bị ngập sâu 0,4-0,5 m. Ðến 7 giờ ngày 6-8, tại một số đoạn đường từ khách sạn Công đoàn đến đoạn rẽ vào trụ sở UBND phường Tân Thanh, đoạn đường mới gần sân vận động tỉnh Ðiện Biên... vẫn còn trong tình trạng ngập nước cục bộ, gây ách tắc giao thông.

 

Xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) có 34 hộ nằm trong tình trạng nguy hiểm trong đó có 19 hộ phải di dời khẩn cấp.  Ðến ngày 5-8,  UBND huyện Mường Tè và Ðồn Biên phòng 307 đã di dời nhà cửa,  người dân và tài sản của 19 hộ đến địa điểm mới. Ðối với 15 hộ còn lại, do mức độ nguy hiểm chưa cao nên sau khi tiến hành ổn định nơi ở cho các hộ đã di dời sẽ tiến hành di chuyển hết. Huyện quyết định hỗ trợ cho mỗi hộ phải di dời 5 triệu đồng, tiếp đó sẽ lập phương án  trợ giúp mỗi nhân khẩu 15 kg gạo trong ba tháng để ổn định cuộc sống.

 

Ðể giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) đã cấp phát cho các hộ dân vùng lũ gần hai tấn giống để gieo mạ, bù lại những diện tích đã bị lũ cuốn trôi; huy động lực lượng, vật liệu tại chỗ để khắc phục các đoạn kênh mương phục vụ nước tưới cho sản xuất; tiến hành tu bổ, nạo vét các kênh mương, phai đập tạm, lấy nước vào đồng ruộng, phục vụ trước mắt cho sản xuất vụ mùa. Hiện nay có hơn 100 ha đất nông nghiệp của huyện bị lũ tàn phá; trong đó, diện tích ruộng không thể khắc phục được là 52,1 ha, diện tích có thể khôi phục được là 38,3 ha.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm