Trong những ngày này, khắp nơi trên cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những hoạt động có tính giáo dục truyền thống, giúp mỗi người dân Việt Nam nhắc nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.
Hà Nội: Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc "Triển lãm 40 năm ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và tổ chức Lễ trao bằng 10 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng "Di tích quốc gia đặc biệt đợt I năm 2009". Triển lãm nhằm giới thiệu những thành tựu tiêu biểu của ngành qua các thời kỳ giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước, thực hiện Di chúc của Người. Đây còn là hoạt động thiết thực chào mừng 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tới dự có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đến dự.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: "Với những nỗ lực, khắc phục khó khăn gian khổ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã và đang có những đóng góp và hoạt động hiểu quả để xây dựng đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được các tầng lớp nhân dân trong cả nước hưởng ứng và tham gia. Các văn nghệ sỹ bám sát hiện thực cuộc sống, lao động sáng tạo nghiêm túc để có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật tốt cống hiến cho xã hội, làm đẹp cho đời. Các hoạt động thể dục, thể thao phát triển mạnh, đạt được những thành tích cao trong khu vực và thế giới. Hoạt động du lịch không ngừng phát triển... Những thành tựu đó thể hiện quyết tâm của toàn ngành thực hiện thật tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng đã đọc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 10 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1 năm 2009) bao gồm: Di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (Hà Nội); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quần thể kiến trúc cố đô Huế (TP Huế, huyện Hương Trà, huyện Hương Thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế); Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam); Di tích kiến trúc nghệ thuật đô thị cổ Hội An (Quảng Nam); Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên); Di tích lịch sử Dinh Độc Lập (TPHCM).
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã lên trao bằng xếp hạng "Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1-2009" cho các lãnh địa phương có di tích được xếp hạng.
Triển lãm 40 năm ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có quy mô trên 10.000 m2 với sự tham gia của 30 cơ quan quản lý chuyên ngành, các đơn vị nghệ thuật của Bộ, 41 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành đại diện cho vùng miền trong cả nước. Các đơn vị, doanh nghiệp đã trưng bày hàng trăm gian hàng trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao; hơn 2000m2 trưng bày triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giới thiệu 300 tác phẩm mỹ thuật, 128 tác phẩm nhiếp ảnh chọn từ 727 tác phẩm mỹ thuật và gần 900 tác phẩm nhiếp ảnh của 525 tác giả trong cả nước. Đồng thời, Triển lãm còn giới thiệu những kết quả phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phong trào học sinh, sinh viên cả nước tham gia bảo vệ, chăm sóc các di tích lịch sử, di sản văn hóa theo Chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Thành phố Hồ Chí Minh: Tại trụ sở Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ vừa có buổi giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đông đảo kiều bào hiện đang về nước sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Quốc khánh 2-9 do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật người Việt ở nước ngoài tổ chức.
Là một giáo sư (GS) của trường Đại học Liege (Bỉ), Nguyễn Đăng Hưng đã có nhiều đóng góp cho các dự án giáo dục lớn tại quê hương Việt Nam. Từ 1995-2007, GS đã dành phân nửa quỹ thời gian của mình đi đi về về giữa Bỉ và Việt Nam, góp phần đào tạo cho đất nước 400 thạc sĩ và 20 tiến sĩ có trình độ quốc tế. Hiện nay, Công ty Hưng Việt Technology do GS-TS Nguyễn Đăng Hưng thành lập đang tích cực hỗ trợ nhiều cơ sở trong nước đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh cuộc giao lưu, chia sẻ kiến thức nói trên, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Quốc khánh 2-9 như: “Giải tennis Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài - mở rộng lần thứ I-2009” (từ 29 đến 30-8 tại Khu du lịch sinh thái Làng Tôi); họp mặt kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2-9 cho bà con Việt kiều về nước.
* Ngày 28/8, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã tổ chức Hội thảo “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những giá trị Lịch sử và Thời đại" nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người và Quốc khánh 2/9.
Hội thảo thu hút hơn 70 bài nghiên cứu của các nhà khoa học, các giảng viên của ĐHQG-HCM, qua đó đã nêu lên những giá trị to lớn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một văn kiện lịch sử quý báu; một tài sản vô giá, kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Cùng với thời gian, những điều Bác mong muốn và căn dặn trong Di chúc dù rất giản dị, nhưng đã thể hiện trong đó những giá trị tư tưởng lớn của một trí tuệ mẫn tiệp có tầm nhìn xa trông rộng và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cao cả của Người.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã khái quát lại bối cảnh lịch sự và nội dung cơ bản của bản Di chúc thiêng liêng. Trong đó nêu rõ: “Bác Hồ viết trang bản thảo đầu tiên của Di chúc vào ngày 15/5/1965, tự tay Người đánh máy và Di chúc được Người sửa chữa lần cuối cùng vào ngày 10/5/1969, 4 tháng trước khi Người qua đời”. Người đã để ra 4 – 5 năm suy nghĩ, nghiễn ngẫm, viết và sửa tài liệu vô cùng quan trọng này. Phân tích các nội dung trong bản di chúc, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Bản di chúc mang sức nặng tổng kết một cuộc đời, một sự nghiệp. Với cách mạng và với Đảng, đó là cả một chặng đường chiến đấu gian lao, trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng, đánh bại hai đế quốc to, cả chủ nghĩa thực dân cũ lẫn chủ nghĩa thực dân mới – Pháp và Mỹ. Đó còn là sự nghiệp đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là nhân tổ đảm bảo quan trọng nhất cho sự bền vững của Độc lập dân tộc...
Các bài nghiên cứu đã phân tích nhiều khía cạnh được đề cập trong bản Di chúc như: vấn đề phụ nữ, chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, vấn đề giáo dục thanh niên... Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng đều thể hiện sự quyết tâm tiếp tục thực hiện Di chúc Bác Hồ đầy đủ hơn nữa, sâu sắc và trọn vẹn hơn theo kỳ vọng, niềm tin và tấm lòng nhân ái, ý chí kiên cường của Bác Hồ...
Nhân dịp này, nhiều đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo học tập và tổng kết 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 27/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP và Hội Khoa học Lịch sử Thành phố tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”. Tại đây thu hút hơn 90 bài tham luận của hàng trăm các nhà khoa học, các lãnh đạo thành phố, nhằm đánh giá những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Bình Định: Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2-9, 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm (Nguyến Tất Thành- Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến Bình Định trước khi tiếp tục hành trình vào phía Nam và ra đi tìm đường cứu nước cứu dân, tại Bình Định đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm, tặng quà các lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, gia đình chính sách tiêu biểu và viếng nghĩa trang liệt sỹ. Các Đoàn nghệ thuật của tỉnh chọn những tiết mục đặc sắc ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ để phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh; tổ chức đợt chiếu phim đặc biệt tại các rạp công cộng từ ngày 31/8 đến ngày 6/9 với 5 bộ phim chính: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Vài hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác và Miền Nam trong trái tim tôi. Tại di tích lịch sử Chùa Linh Phòng cổ tự diễn ra lễ cầu nguyện "Quốc thái dân an" của trên 1.000 chức sắc, tăng ni phật tử trong và ngoài tỉnh Bình Định trong 2 ngày ( 27-28/8) ...
Cũng tại Bình Định, sáng 29/8 tỉnh khởi công xây dựng Khu tâm linh Phật Pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát; tổ chức hội thao cán bộ công nhân viên chức năm 2009 và tối 1/9 tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2-9; 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm Nguyễn Tất Thành đến Bình Định. Nhân dịp này, tỉnh cũng tiến hành tổng kết và trao giải thưởng về cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trước đó, tại thành phố Quy Nhơn, Viện Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và lãnh dạo tỉnh Bình Định đã tổ chức thành công cuộc Hội thảo khoa học "Nguyễn Tất Thành đến Bình Định".
Hậu Giang: Sáng 28/8, tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc Khánh 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 200 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hậu Giang, cán bộ, quân và dân thị xã Vị Thanh đã đến dự. Phát biểu tại lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Bí thư Thị ủy Vị Thanh đã khẳng định vai trò lịch sử của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt 64 năm qua, kể từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với cả nước, tỉnh Hậu Giang nói chung, thị xã Vị Thanh nói riêng đã liên tục giành được nhiều thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong giai đọan xây dựng đất nước hiện nay, Đảng bộ thị xã Vị Thanh đã giành được nhiều thành tựu to lớn, là địa phương dẫn đầu của tỉnh ở nhiều lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm tỉnh lỵ của Hậu Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân hàng năm đạt 19%/năm, GDP bình quân đầu người đạt gần 19 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp 2 lần so với bình quân chung cả tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng của thị xã được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện, khang trang theo hướng văn minh, hiện đại.
Thị xã đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là đô thị loại III vào cuối năm2009, Thực hiện lời dạy trong Di chúc của Bác, Đảng bộ thị xã Vị Thanh đã và sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên tự phê bình và phê bình trong các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, quần chúng, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của mình để luôn xứng đáng là thị xã tỉnh lỵ Hậu Giang và trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu.
Đà Nẵng: Ngày 28/8, tại Nhà hát Trưng Vương, Hội Tem thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức triển lãm tem bưu chính với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Triển lãm giới thiệu 70 khung tem 2 mặt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng quang vinh và dân tộc Việt Nam Anh hùng. Đây là bộ sưu tập đầy ý nghĩa của 35 nhà chơi tem thuộc 7 hội tem thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và Thừa Thiên-Huế. Bên cạnh các bộ sưu tập tem được trưng bày, còn có triển lãm của các em thiếu nhi với 80 bức tranh về chủ đề Bác Hồ. Triển lãm tem bưu chính “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết thúc vào ngày 30/8.
Hòa Bình: Sáng 28/8, tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, UBND tỉnh Hoà Bình đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài chiến công Anh hùng Cù Chính Lan. Đặc biệt, đến dự buổi lễ khánh thành có ba người em ruột của Anh hùng Cù Chính Lan là Cù Chính Thao (75 tuổi); Cù Chính Huệ (73 tuổi) và Cù Chính Lài (69 tuổi). Công trình được khởi công vào ngày 15/3/2008, do Công ty Mỹ thuật Trung ương đảm nhận thi công với tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Hoà Bình là 5.430 triệu đồng. Khuôn viên khu di tích lịch sử cấp Quốc gia này có tổng diện tích 3.638m2. Tượng và bệ tượng được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá xanh Thanh Hoá, tổng chiều cao là 8,5m, thể tích 160,4m3 và nặng 440 tấn. Tượng đài ghi lại hình ảnh anh Cù Chính Lan đang trong tư thế đánh xe tăng địch, người chiến sỹ dũng cảm đã bám đuổi và dùng lựu đạn ném vào thùng xe tăng Pháp trên quốc lộ 6 ngày 12/12/1952 trong chiến dịch Hoà Bình lịch sử.
Đây là công trình thiết thực chào mừng lễ Quốc khánh 2/9, thể hiện tỉnh cảm biết ơn của nhân dân Hoà Bình tới người anh hùng Cù Chính Lan, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ học tập và noi gương tinh thần bất khuất của ông cha trong chiến tranh vệ quốc.
Báo điện tử ĐCSVN