Cập nhật: 05/09/2009 06:33:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

 

Dự báo, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Ðà Nẵng đến Bình Ðịnh. Ðến 19 giờ ngày 4-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ vĩ bắc; 109,9 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Ðà Nẵng đến Bình Ðịnh và khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa to đến rất to và dông. Cần đề phòng ngập úng ở vùng trũng, lũ quét và sạt lở đất  ở  vùng  núi. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam Biển Ðông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

 

Ngày 3-9, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện khẩn số 31/CÐ-T.Ư, điện Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau, khu vực Tây Nguyên; Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, yêu cầu: Các tỉnh ven biển quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi; bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi trú tránh; khẩn trương sắp xếp tàu, thuyền vào nơi neo đậu hoặc kéo tàu, thuyền lên bờ bảo đảm an toàn. Vùng núi và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát địa bàn và có phương án phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn cho người, tài sản, đặc biệt là các khu vực đang có diễn biến sạt lở phải tổ chức sơ tán để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Các tỉnh vùng đồng bằng và ven biển sẵn sàng phương án tiêu úng đề phòng mưa lớn gây ngập úng, đặc biệt là tại các khu đô thị; kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, cũng như phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.

 

Theo Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 3-9, trên tuyến biển từ Ðà Nẵng đến Phú Yên có 5.214 tàu (38.708 người) đang hoạt động. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn phía đông nam quần đảo Hoàng Sa và phía bắc quần đảo Trường Sa có 162 tàu (2.862 người); Ðà Nẵng 39 tàu (515 người); Quảng Nam 83 tàu (1.814 người); Quảng Ngãi 40 tàu (533 người). Hoạt động ven bờ và trên các vùng biển khác là 5.052 tàu (35.846 người). Hiện các tàu trên vẫn giữ liên lạc với đất liền, đã biết hướng di chuyển của ATNÐ, sẵn sàng phòng, tránh.

 

* Công trình tràn Lạc Khoái tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng chủ động điều tiết lũ, góp phần bảo vệ các tuyến đê sông Hoàng Long, bảo đảm tài sản, tính mạng của nhân dân 10 xã vùng úng trũng của các huyện Nho Quan, Gia Viễn. Ðập tràn Lạc Khoái sau khi cải tạo, nâng cấp có khả năng chịu được những cơn lũ lớn, trong đó phần đập tràn phân lũ có tổng chiều dài gần 117 m, với 24 cửa điều tiết lũ bằng bê-tông cốt thép, đóng mở bằng vít điện và quay tay, có thể cắt lũ với lưu lượng 33 m3 nước/giây. Ban chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo các đơn vị thi công bảo quản, vận hành đập tràn để chủ động chống lũ lụt trong thời gian tới.

 

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mực nước trung, hạ lưu sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Dự báo, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Ðến 6-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên 3,2m (trên báo động 1 là 0,2m); tại Châu Ðốc lên 2,75m (trên báo động 1 là 0,25m); các trạm chính vùng Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2.

 

* Tuyến đê Biển Tây dài hơn 92 km của tỉnh Cà Mau đang bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của gió mùa tây nam gây mưa lớn kéo dài, kết hợp triều cường dâng cao và sóng to đánh ập vào.  Trong hai ngày 31-8 và 1-9, đoạn đê Rạch Dinh - Lung Ranh bị sạt lở với chiều dài gần 400m, mặt đê có nơi chỉ còn khoảng 2m. Ðoạn đê chạy qua địa bàn huyện U Minh dài hơn 30 km hiện hàng chục điểm có nguy cơ bị sạt lở nặng nề, với tổng chiều dài hơn 4.000m, trong đó khoảng hơn 1.000 m đang lở đất đến tận chân đê, mặt đê xuất hiện những vết nứt. Tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo ngành chức năng nhanh chóng khắc phục một số đoạn sạt lở và gia cố  những đoạn đê có nguy cơ lở cao.

    

 

Theo NhânDân Online

 

Tệp đính kèm