Cập nhật: 26/11/2009 04:06:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng nay (25.11), dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã nhất trí thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Sửa đổi Luậ t Giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục

 

Theo Báo cáo, giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

 

UBTVQH nhận thấy qua hơn ba năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Một số quy định của Luật chưa đi vào được cuộc sống một phần là do chưa kịp ban hành một số văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã phát hiện một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, phát huy tốt hơn hợp tác quốc tế về giáo dục, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung kịp thời, tránh tiếp tục kéo dài các bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục như: điều kiện thành lập nhà trường; đình chỉ hoạt động, giải thể nhà trường; hợp tác quốc tế về giáo dục; cơ sở giáo dục đại học; kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; đào tạo trình độ tiến sĩ; đào tạo và cấp văn bằng sau đại học công nhận trình độ kỹ năng thực hành ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; chế độ, chính sách đối với nhà giáo; học phí và các khoản thu trong nhà trường; trung tâm ngoại ngữ, tin học…  

 

Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật nếu được Quốc hội thông qua sẽ có tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, tạo hành lang pháp lý cần thiết nhằm đẩy mạnh đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà trong thời gian tới.

 

Còn việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục nhằm định hướng cho những cải cách mạnh mẽ về giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, bảy và chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) thì cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung như Dự án Luật trình Quốc hội và chỉ nên tập trung vào những vấn đề bức xúc và đã chín muồi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

 

Dự thảo Luật Giáo dục đã giải quyết được những vấn đề bức xúc

 

UBTVQH nhận thấy, Dự thảo Luật Giáo  dục đã trình đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: Quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.

 

Bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục…

 

Để hoàn chỉnh Dự thảo Luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bổ sung thêm một số điều, khoản mới, một số quy định cụ thể hoặc có tính nguyên tắc nhưng phải rõ ràng, chặt chẽ về các vấn đề nêu trên. Các quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý, định hướng cho việc ban hành và sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật, đồng thời thực thi những giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh công tác tổ chức thi hành Luật nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, bất cập trong hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

 

 

 

Theo Báo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm