Những ngày qua nhiệt độ các tỉnh miền Bắc và đặc biệt tại Hà Nội xấp xỉ 30 độ C, trời nắng nóng. Thời tiết trong những ngày giáp Tết Nguyên đán và trong dịp Tết sẽ diễn biến ra sao? Trao đổi với ANTĐ về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết
Sau những ngày nắng nóng kéo dài tại miền Bắc và Hà Nội, ngày 5-2, các tỉnh miền Bắc đã chịu sự chi phối của lưỡi cao áp lạnh yếu và lệch đông cộng với hội tụ gió trên cao nên nền nhiệt độ chung giảm khoảng 1-2 độ C so với những ngày trước. Tại Hà Nội, nhiệt độ đã giảm 2 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất trong ngày tại Hà Nội vẫn đạt 25 độ C, về ban đêm là 20-22 độ C.
- Từ nay đến Tết Nguyên đán, thời tiết tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ diễn biến ra sao thưa ông?
- Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Thời tiết các tỉnh miền Bắc và đặc biệt tại Hà Nội từ hôm nay, 6-2 đến hết ngày 12-2, tức hết ngày 29 tháng Chạp, là thời kỳ ấm kéo dài, khoảng 7 ngày. Theo đó, nhiệt độ ban ngày có thể lên tới 28-30 độ C, đặc biệt từ ngày 10 đến 12-2, nhiệt độ ban ngày có thể đạt ngưỡng xấp xỉ 30 độ C và từ 21-24 độ C về ban đêm. Như vậy, thời tiết rất ấm, song có thể sẽ có những ngày mưa phùn lất phất về đêm và sáng.
Sang ngày 13-2, tức ngày 30 tháng Chạp, theo dự báo sẽ có 1 đợt không khí lạnh (KKL) cường độ mạnh, ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của đợt KKL này, thời tiết các tỉnh miền Bắc sẽ trở rét, tại Hà Nội nhiều khả năng sẽ xảy ra 1 đợt rét đậm, nhiệt độ ban ngày vào khoảng 18-21 độ C, ban đêm khoảng 15-17 độ C. Nhiệt độ trung bình tại Hà Nội là trên 15 độ C, chỉ đạt ngưỡng rét đậm, không xảy ra rét hại. Còn một số vùng núi cao như Sapa, Mẫu Sơn có khả năng sẽ xảy ra rét hại.
Cũng theo dự báo, đợt rét này sẽ kéo dài khoảng 4-5 ngày, tức đến ngày 16-2 (ngày 3 tháng Giêng), KKL sẽ suy yếu, trời sẽ ấm dần trở lại. Bên cạnh đó, kèm theo KKL đợt này sẽ có mưa rào nhẹ, mưa rào cũng sẽ kéo dài từ 2-3 ngày. Do đó, tại Hà Nội nhiều khả năng sẽ có rét đậm kèm theo mưa vào dịp Tết Nguyên đán tới.
- Dự báo trong tháng 2 này sẽ có khoảng bao nhiêu đợt KKL?
- Trong tháng 2-2010 sẽ không có thêm đợt KKL nào tràn xuống nước ta gây rét đậm nữa, ngoài đợt KKL cường độ mạnh vào đúng dịp Tết Canh Dần tới. Theo đó, xen giữa các đợt KKL là nóng và ấm, hay còn gọi hình thái thời tiết ấm “đậm”.
Bởi vậy, nhiệt độ trong cả tháng 2 được dự báo sẽ cao hơn mức TBNN từ 2-3 độ C (TBNN của tháng 2 là 18 độ C). Bên cạnh đó, trong tháng 2 lượng mưa cũng thấp hơn TBNN. Trong khi, lượng mưa TBNN vào tháng 2 đạt từ 18-20mm tại Hà Nội, nhưng đến thời điểm này, đã qua 6 ngày đầu của tháng nhưng vẫn chưa có mưa.
- Vậy, từ nay đến hết mùa rét, miền Bắc sẽ đón khoảng bao nhiêu đợt KKL nữa?
- Sau đợt rét đậm vào dịp Tết Nguyên đán, các tỉnh miền Bắc sẽ không còn chịu tác động bởi đợt KKL cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại nào nữa. Bởi, theo quy luật thông thường, rét đậm, rét hại thường xảy ra vào cuối tháng 12, kéo dài tới cuối tháng 2. Sang tháng 3 chỉ là những đợt KKL yếu, kèm theo mưa rào đầu mùa, khiến trời trở lạnh giữa các đợt thời tiết ấm. Nền thời tiết chủ đạo là ấm. Trường hợp rét đậm ít có khả năng xảy ra.
Có thể thấy, dịp Tết Nguyên đán năm nay vào giữa tháng 2, tức đã vào tiết Xuân, nên thời tiết ấm áp, hoa nở tưng bừng là đúng tiết trời. Lúc này, EL Nino cũng đang trong quá trình suy yếu, khả năng tác động đột biến đến thời tiết là rất ít.
- Tình hình khô hạn trên các sông từ nay đến khi có lũ tiểu mãn (vào tháng 5) sẽ diễn biến ra sao?
- Mực nước sông từ nay đến hết tháng 2 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các hồ thủy điện phát điện và xả nước đến mức nào. Bởi, theo dự báo, trong tháng 2 sẽ không có mưa xảy ra, nếu mưa cũng chỉ là mưa phùn, lượng mưa không đáng kể. Hiện, các tỉnh miền Bắc vẫn trong đợt cao điểm của khô hạn.
Ngoại trừ, mực nước sông Hồng những ngày qua được bổ sung do các hồ thủy điện tăng cường xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào vụ đổ ải. Tuy nhiên, mực nước cũng đã đang xuống và sẽ tiếp tục xu hướng xuống đến hết tháng 2. Song, sẽ không xuống mức kỷ lục (mức 0,46m) như hồi tháng 12-2009 và hồi tháng 1-2010 vừa qua.
Bởi theo dự báo, sang Giêng sẽ có mưa nhiều hơn, đặc biệt, từ cuối tháng 2, sang tháng 3-2010 sẽ có những đợt mưa rào và giông, bổ sung một lượng nước tương đối cho các sông, hồ miền Bắc. Đặc biệt, khoảng từ giữa tháng 3-2010, những đợt mưa rào đầu mùa sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn.
Theo Báo An ninh Thủ đô Online