Nhiều hoạt động phong phú sẽ được tổ chức trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5 (May Day) năm nay.
May Day khởi nguồn từ cuộc đấu tranh của công nhân Chicago, Mỹ đòi quyền làm việc 8 giờ/ngày: "Tám giờ làm việc, tám giờ nghỉ ngơi và tám giờ theo ý muốn của chúng ta".
Tại Nga, Đảng Chỉ một nước Nga (“Just Russia”) cùng các tổ chức công đoàn chuẩn bị tổ chức các cuộc tuần hành khắp cả nước, theo lời Chủ tịch “Just Russia” Sergei Mironov - người cũng là phát ngôn viên Hội đồng Liên bang của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Sẽ có hàng chục ngàn người tham gia các cuộc tuần hành, nhấn mạnh ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động “là ngày đoàn kết người lao động, bảo vệ người lao động” – ông Mironov nêu rõ.
Tại Cuba, các thế hệ trẻ sẽ là hạt nhân chính cho hoạt động kỷ niệm 1.5 trên quảng trường Cách mạng tại thủ đô La Habana, với tổng cộng 10 nhóm lớn tham gia, đại diện cho 15 cộng đồng ở thủ đô và 10 liên đoàn lao động quốc tế. Hơn 200 thành viên Lữ đoàn Thế giới đoàn kết với Cuba đã có mặt tại La Habana chuẩn bị cho dịp lễ trọng đại này, nhằm tái khẳng định sự ủng hộ cách mạng Cuba.
Tại Sri Lanka, mọi thoả thuận đã hoàn tất nhằm kỷ niệm trọng thể ngày 1.5 đầu tiên thời hậu chiến như sự kiện lớn nhất. Hoạt động này diễn ra tại toà thị chính thủ đô Colombo, với sự tham dự của Tổng thống Mahinda Rajapaksa và ít nhất 72 tổ chức công đoàn sẽ tham gia tuần hành.
+ Tại Indonesia, các công đoàn dự định hoãn các cuộc tuần hành quần chúng quy mô lớn ngày 1.5 sang 6.5 vì một số lý do. “Ít nhất 5.000 công nhân là thành viên Công đoàn Công nhân quốc gia (SPN) sẽ tuần hành tại Jakarta ngày 6.5. Thêm khoảng 10.000 người nữa tại tỉnh Banten và 10.000 người tại West Java cùng ngày” đòi môi trường làm việc và được trả lương tốt hơn – SPN tuyên bố.
Thống đốc Jakarta Fauzi Bowo hoan nghênh công nhân bày tỏ nguyện vọng, nhưng nói họ phải diễu hành hoà bình. Cảnh sát Jakarta dự kiến triển khai ít nhất 15.000 nhân viên làm nhiệm vụ dịp này.
+ Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát chống bạo động được đặt trong tình trạng báo động, chuẩn bị đối phó với những tình thế hỗn loạn có thể xảy ra, sau khi công nhân lao động được phép tổ chức kỷ niệm 1.5 lần đầu tiên kể từ năm 1977 tại quảng trường Taksim ở thủ đô Istanbul.
Thống đốc Istanbul Muammer Güler đã cảnh báo, nếu để xảy ra sự cố nào các công đoàn sẽ bị cấm tập hợp tại đây. Ngày 1.5.1977, tại Taksim đã xảy ra vụ thảm sát làm hơn 30 người thiệt mạng.
+ Tại Namibia ở Châu Phi, Công đoàn Quốc gia công nhân lao động Namibia (NUNW) thông báo lễ kỷ niệm năm nay được tổ chức tại hai thành phố có tầm quan trọng chiến lược với nền kinh tế là Lüderitz và Walvis Bay.
Tổng thống Hifikepunye Pohamba sẽ là diễn giả chính tại Lüderitz, trong khi Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Hage Geingob sẽ chủ trì tại Walvis Bay
Theo Lao Động Online