Cập nhật: 17/02/2011 16:24:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những biến cố vừa xảy ra ở Ai Cập đang tác động mạnh mẽ tới Trung Đông và Bắc Phi, đẩy khu vực này và chính sách đối ngoại của Mỹ lâm vào khủng hoảng sâu sắc.

Thực ra, không phải Ai Cập, mà là Tunisia mới là điểm khởi đầu nổ ra làn sóng biểu tình của người dân. Cho dù, Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, dưới sức ép của những người biểu tình đã buộc phải ra đi, nhưng những cuộc nổi dậy tại hai quốc gia này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không những thế, nó còn tạo cơn địa chấn lan khắp khu vực.

 

Tại Saudi Arabia, các lực lượng đối lập yêu cầu Quốc vương nước này cho phép họ thành lập một chính đảng. Đây là một thách thức đối với quyền lực tuyệt đối của quốc gia giàu tiềm năng dầu mỏ này và là một hành động mà chỉ cách đây một tháng không ai dám nghĩ tới. Nghiêm trọng hơn nữa là tại Yemen, những ngày này, đang nổ ra các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Algeria - quốc gia có trữ lượng nhiên liệu khá lớn và dự trữ ngoại tệ lên tới 155 tỷ USD, cũng đang diễn ra các cuộc biểu tình, mà dư luận báo giới cho rằng đó là: “sự bừng tỉnh của phe đối lập”, rằng “Algeria đang ở bên miệng núi lửa”. Từ ngày 15/2/2011, tại Bahrain, lực lượng cảnh sát đã phải đương đầu với các cuộc biểu tình của các nhóm chính trị đối lập theo dòng Hồi giáo Shiite phản đối chính phủ.

 

Các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi này đều là những đồng minh thân thiết của Mỹ, là nền tảng trong chiến lược của Washington tại khu vực này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực, dường như không quan tâm tới việc phát triển kinh tế đất nước. Điều nghịch lý, phần lớn các nước này đều có tiềm năng về năng lượng dầu mỏ, khí đốt, du lịch, nhưng chất lượng cuộc sống của người dân lại quá thấp. Như Ai Cập, một nửa dân số phải sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, không có khả năng tự nuôi sống mình. Vì thế, với làn sóng biểu tình đang ngày càng lan rộng, người ta cảm nhận được thông điệp của người dân là, không còn chấp nhận việc các nhà lãnh đạo đất nước tự chấp nhận là “công cụ” cho Mỹ thực thi các toan tính chính trị kinh tế tại khu vực, mà quên lợi ích đất nước và cuộc sống của người dân.

 

Việc ra đi của ông Mubarak -  người mà dân chúng Ai Cập coi là nhà lãnh đạo độc tài được Mỹ ủng hộ suốt 30 năm qua, Mỹ đã mất đi một đối tác ngoại giao tại Trung Đông. Hơn thế nữa, các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn chưa có điểm dừng, báo hiệu sự thay đổi kiểu Ai Cập chưa phải là cuối cùng, khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barak Obama rơi vào thế yếu tại khu vực quan trọng này của thế giới, do có thể mất đi sự ủng hộ của các đồng minh. Để tránh gây ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với chiến lược, có thể Mỹ sẽ phải vẽ lại bản đồ ngoại giao tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

 

Năm 1980, chính quyền của Tổng thống Philippines Macos - đồng minh then chốt của Washington tại Đông Nam Á sụp đổ, nguyên nhân cũng từ những cuộc biểu tình. Hơn 3 thập kỷ sau, đến số phận của ông Mubarak, là những minh chứng cho thấy Mỹ ủng hộ nhà độc tài nào, đều dẫn tới bất ổn và bạo động ở nước đó.

 

Lãnh đạo các nước trong khu vực như Yemen, Jordani, Algeria… đều vừa lên tiếng sẽ cải cách thể chế chính trị theo hướng độc lập, không quá phụ thuộc vào Mỹ, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo quyền dân chủ, nâng cao mức sống người dân. Đây là những bước đi đúng đắn cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng thêm sâu rộng tại khu vực và cho thấy họ đã và đang rút ra nhiều bài học cảnh tỉnh từ biến cố ở Ai Cập và Tunisia./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

 

Tệp đính kèm