Những diễn biến mới trong tuần cũng cho thấy, vấn đề Libya chắc chắn sẽ còn vô cùng phức tạp chính từ sự tham gia giải quyết của “các bên trung gian”.
Ngày 14/7, Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuyên bố ông sẽ tại vị “cho đến giọt máu cuối cùng” và không chịu khuất phục sức ép của quốc tế đòi ông phải từ bỏ quyền lực mà ông nắm giữ gần 42 năm qua. “Sức ép của quốc tế” mà ông Gaddafi nhắc đến chính là những hành động quân sự do lực lượng NATO tiến hành theo tinh thần Nghị quyết 1973 của LHQ.
Bất chấp những chiến dịch không kích đang ngày một gây nhiều thương vong cho cả lực lượng quân đội của Chính quyền Gaddafi lẫn những người dân thường vô tội, sự bảo vệ quyền lực của ông Gaddafi càng lúc càng trở nên quyết liệt hơn. Ông Gaddafi đã “thẳng thừng” tuyên bố rằng: “Tôi sẽ ở lại với người dân của tôi và khẩu súng của tôi cho đến giọt máu cuối cùng. Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến bất công này. Chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến nhằm thuộc địa hóa, cuộc chiến của sự thù hận”.
Có lẽ chính “Chiến dịch không kích Libya” của NATO, mà cụ thể hơn là Phương Tây do Anh, Pháp cầm đầu đang trở nên “lợi bất, cập hại”. Để trừng trị hoặc buộc một thể chế, một chính quyền khuất phục trước yêu cầu của cộng đồng quốc tế, lâu nay người ta vẫn thấy có những giải pháp quân sự được tiến hành. Điều này đã từng diễn ra ở một số quốc gia những năm gần đây. Thế nhưng không thể coi đó là giải pháp đúng trong mọi trường hợp. Cụ thể với Libya, khi càng lúc nó càng gây bất đồng, chia rẽ trong chính cộng đồng quốc tế, những quốc gia đang thực thi “nhiệm vụ chung”. Và diễn biến mới nhất trong tuần cho thấy rõ điều này.
Trong khi Nhóm Tiếp xúc quốc tế về Libya - bao gồm các cường quốc phương Tây, chính phủ Arập và các thủ lĩnh Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của quân nổi dậy Libya - tổ chức một cuộc họp tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 15/7… thì Nga và Trung Quốc, hai uỷ viên thường trực của HĐBA LHQ đã khẳng định không tham gia cuộc họp này.
Sự từ chối tham gia của hai cường quốc này càng khẳng định mối bất đồng của các bên trung gian. Trên thực tế, Nga và Trung Quốc là hai nước bỏ phiếu trắng (chứ không phải là phiếu chống) khi HĐBA thông qua Nghị quyết 1973 để tấn công quân sự chống Libya. Sau này, khi các cuộc tấn công đã cho thấy là không dễ để có thể kết thúc một cách nhanh chóng và đang mang đến quá nhiều thương vong cho chính dân thường Libya thì Nga và Trung Quốc đều chuyển sang phản đối.
Việc có một “Nhóm tiếp xúc” với thành phần không bao gồm cả đại diện của chính quyền Gaddafi là việc làm thiếu công bằng và cho thấy khó có khả thi. Bất cứ giải pháp chính trị nào khi đưa ra cần phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan thì mới mong có được kết quả thoả đáng cuối cùng.
Việc làm này “vô hình chung” đang đẩy chính quyền Libya, mà đại diện là Tổng thống Gaddafi đến chân tường, khiến ông “bật lại” và sự phản kháng ấy hoàn toàn dễ hiểu là chỉ theo hướng tiêu cực. Có lẽ bởi vậy, càng gần đây, càng có nhiều những lời tuyên bố cứng rắn kiểu “tại vị đến giọt máu cuối cùng” hay “Tôi không thể rời bỏ những người dân trung thành của tôi”, thậm chí cả lời tuyên bố “tử thủ” ông Gaddafi đưa ra như để thách thức những nỗ lực chung mang tên “quốc tế” ấy.
Trong lời từ chối tham gia cuộc họp của Nhóm tiếp xúc, Bắc Kinh thì cho rằng phương thức hoạt động của “Nhóm Tiếp xúc” vẫn cần “nghiên cứu thêm,” còn Moscow thì cho rằng, “các sự kiện vừa qua cho thấy Nhóm tiếp xúc về Libya chỉ ủng hộ một bên xung đột tại Libya”. Chính bởi vậy mà cuộc họp được Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức như một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm mang lại ổn định cho đất nước Libya thời hậu Gaddafi cũng như “một lộ trình” mà Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất tại đây… khó hứa hẹn đạt được kết quả nào. Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng từng khẳng định rằng cuộc xung đột quân sự ở Libya đã bị bế tắc và cái giá của cuộc xung đột đối với con người là “cao”.
Và cứ theo cái đà “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này, cuộc chiến Libya khó mà đi đến hồi kết như mong đợi chung./.
Theo Điệp Anh/vovnews.vn