Cập nhật: 17/09/2011 15:18:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ý kiến của lãnh đạo ngành tài chính Mỹ đưa ra tại hội nghị các Bộ trưởng tài chính châu Âu đã tạo ra những phản ứng trái chiều

Ngày 16/9, (tức đêm 15/9 theo giờ địa phương), Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu đã nhóm họp tại Wroclaw (Ba Lan) trong hai ngày. Mục đích cuộc họp nhằm giải cứu Hy Lạp và tránh cho khu vực đồng tiền chung Euro bị tan rã.

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tham dự hội nghị để trao đổi quan điểm về tình hình cuộc khủng hoảng nợ công đang bế tắc hiện nay ở châu Âu, trong bối cảnh, Hy lạp ngày càng rơi sâu vào suy thoái, trong khi Italy đang đứng bên bờ vực vỡ nợ. Đồng thời qua đó giúp Mỹ chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo với Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và G20.

 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu sử dụng Quỹ cứu trợ khẩn cấp trị giá 440 tỷ Euro để mua nợ của các quốc gia đang gặp khó khăn, giống như những gì Mỹ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cần có một chính sách tiền tệ mở rộng nhiều hơn nữa.

 

 

 

 

 

Quan điểm của ông Geithner đưa ra sau đó đã  nhận được các ý kiến khác nhau. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees De Jeger cho rằng, những biện pháp mà Mỹ từng áp dụng đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009  không hoàn toàn áp dụng được cho châu Âu hiện nay. Ông De Jeger cho rằng, vấn đề cần tháo gỡ ở đây không chỉ là kích thích thị trường tài chính mà phải giải quyết dứt điểm khủng hoảng nợ công. Ông De Jeger dè dặt: “Đối với vấn đề này, chúng ta cần phải thận trọng hơn so với các nước khác”.

 

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin tỏ vẻ đồng tình với ý kiến của ông Geithner. Ông Francois cho rằng cần thiết phải có Quỹ này để giúp vực dậy thị trường tài chính, qua đó nhằm dập tắt khủng hoảng nợ hiện nay.

 

Mặc dù vậy, ý kiến đóng góp của Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã không giúp hội nghị có được một sự “suôn sẻ” nào đó như ông mong muốn khi 17 vị Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn không đạt được một “tiếng nói chung” trong kế hoạch giải cứu Châu Âu.

 

Theo ông Geithner thì nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ngày càng hiện rõ và có thể sẽ diễn biến phức tạp và tồi tệ hơn cả năm 2008./.

 

 

Theo VOVOnline

Tệp đính kèm