Campuchia, nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Nam Á, cho biết ASEAN đã có những bước tiến đáng kể và thống nhất những điểm quan trọng của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Quan chức Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiến gần hơn đến bản thỏa thuận về hướng dẫn ngăn ngừa xung đột trong tranh chấp lãnh thổ trên khu vực Biển Đông.
"Các nhà lãnh đạo Ngoại giao ASEAN đã thống nhất và thông qua những điểm quan trọng của COC giữa các nước thành viên và từ bây giờ chỉ cần hoàn tất công việc thảo luận với Trung Quốc", VOA trích lời quan chức Campuchia nói. Tuy nhiên, quan chức này không nêu chi tiết những điểm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm 9/7, thủ tướng Campuchia Hun Sen cho hay việc thông qua COC với Trung Quốc ở những vùng biển có tranh chấp là mục tiêu hàng đầu của 10 quốc gia ASEAN.
ASEAN thấy rõ tầm quan trọng của việc cùng làm việc để hướng tới COC, một bộ quy tắc sẽ cung cấp những hướng dẫn nhằm giải quyết các tranh chấp về những tuyên bố chủ quyền chồng lần có liên quan tới một số nước. ASEAN cũng muốn thể hiện rằng khối có thể đóng vai trò cốt cán trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh và chính trị.
5 quốc gia gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc cùng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Đây được coi là khu vực giàu tài nguyên và là tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về COC để xây dựng lòng tin giữa các nước khi các điều kiện đã "chín muồi". Tuy nhiên, người phát ngôn Trung Quốc cũng cho biết văn bản này không nên cố gắng giải quyết toàn bộ các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN. Bắc Kinh muốn giải quyết những tranh chấp này với từng quốc gia riêng lẻ.
Căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây khi Philippines và Việt Nam phản đối những hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Vụ chạm mặt tại bãi cạn không người Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippines với Trung Quốc đã kéo dài hàng tháng nay. Tháng trước, Việt Nam cũng phản đối quyết định của Trung Quốc mời thầu tại các lô dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo Vũ Hà/ VnExpress