Cập nhật: 22/01/2009 00:57:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là mức tăng so với năm 2008. Thông tin trên đã được ông Phan Mạnh Thắng – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương đưa ra trong buổi làm việc chiều nay (13/1) với một số cơ quan chính trị xã hội để lấy ý kiến cho Đề án "Giá bán điện giai đoạn 2009-2012 và cơ chế thực hiện giá điện theo thị trường".

Đề án giá điện 2009 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ từ giữa tháng 12/2008. Hiện nay Bộ Tài chính đang thẩm định để báo cáo Chính phủ. Theo đó, nếu đề án được thông qua, dự kiến biểu giá mới sẽ được áp dụng vào cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2009. Thời điểm tăng giá điện cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

Giá điện năm 2009 sẽ tăng dưới 10%

 

 Theo ông Thắng, sau 2 năm thực hiện biểu giá điện hiện hành, Bộ Công Thương nhận thấy việc điều chỉnh giá điện là cần thiết vì lý do: với những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, những thay đổi gần đây trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, biểu giá điện hiện nay ở nước ta không còn phù hợp, không phản ánh đúng và đủ chi phí đầu vào của ngành điện cũng như không đáp ứng được khả năng trả nợ và vay vốn để đầu tư các công trình mới của các đơn vị điện lực; chưa có cơ chế điều hành giá điện hợp lý để đảm bảo giá điện từng khâu phản ánh đúng chi phí của khâu đó nhằm thực hiện được chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện; giá điện bán lẻ trung bình hiện nay của Việt Nam là thấp nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á, thấp hơn so với giá phát điện của các nguồn điện mới, do đó làm cho việc đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện từ các nguồn điện mới gặp khó khăn và kéo dài, gây chậm trễ việc thực hiện đầu tư các công trình điện, làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo an ninh cung cấp điện và việc đáp ứng nhu cầu điện đang tăng với tốc độ cao, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn điện kéo dài phải cắt điện thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân; giá điện thấp không khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

 

 

 

Ngoài ra, phương pháp xây dựng và thực hiện giá điện hiện hành chưa theo cơ chế thị trường, chưa có cơ chế cho phép điều chỉnh định kỳ giá bán điện theo biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá mà được xây dựng và điều chỉnh theo lộ trình thời gian định sẵn.

 

Căn cứ đề cương được duyệt, đề án giá điện 2009-2012 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh giá bán điện tương ứng với các mức khác nhau của tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện, nhu cầu vốn đầu tư, tỷ lệ điện cho sản xuất và truyền tải, giá nhiên liệu bình quân năm 2009 và các năm tiếp theo... với tỷ lệ điều chỉnh giá điện năm 2009 từ xấp xỉ 16% tới trên 20%.

 

Tuy nhiên, trên cơ sở các phương án giá điện đề xuất của EVN tại Đề án và Báo cáo của Tổ công tác liên ngành, Bộ Công Thương đã xem xét và đưa vào một số hiệu chỉnh phản ánh tình trạng suy giảm những tháng cuối năm 2008 và dự báo cho năm 2009 để tính toán lại giá bán điện bình quân giai đoạn 2009-2012. Kết quả giá bán điện bình quân năm 2009 sau khi hiệu chỉnh sẽ có mức tăng từ 8% đến xấp xỉ 10% so với năm 2008 tùy theo các mức khác nhau của giá nhiên liệu bình quân dự báo cho năm 2009.

 

Từ đó Bộ Công Thương kiến nghị chỉ xem xét điều chỉnh giá bán điện bình quân năm 2009 ở mức dưới 10%, mức cụ thể tùy thuộc vào các phương án giá dầu và giá than cho điện sẽ được Chính phủ quyết định thực hiện.

 

Giá điện tăng nhưng sẽ không gây “sốc” cho nền kinh tế

 

 Ông Thắng cho biết, với phương án giá đề nghị như trên, các chỉ số tài chính, tỷ lệ tự đầu tư và tỷ lệ thanh toán nợ của EVN đạt xấp xỉ mức yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn với điều kiện lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện được sử dụng toàn bộ cho tái đầu tư phát triển điện. Ngoài ra, với mức tăng giá điện như trên sẽ không gây “sốc”, tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế, sản xuất và đời sống của nhân dân. Thực tế, mức tăng này sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2009 khoảng 0,05%-0,07%; CPI tăng khoảng 0,25-0,3%. Các ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 40-50% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 3-4%.

 

Bên cạnh đó, đối với điện cho sinh hoạt, giá điện dự kiến tăng khoảng 13-17% sẽ làm tăng chi tiêu tiền điện của các hộ gia đình trung bình khoảng 0,3-0,35%, tỷ lệ chi tiêu tiền điện trong tổng chi tiêu của các hộ gia đình tăng từ khoảng 2,64% lên khoảng 3%.

 

Mặt khác, do giá điện vẫn giữ được ở giá thấp cho 50kWh đầu tiên để thực hiện chính sách bù giá, nên tất cả các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp có mức sử dụng điện dưới 50kWh/tháng (khoảng 653 nghìn hộ thuộc các thành phố, thị xã và 568 nghìn hộ khu vực nông thôn) mua điện trực tiếp từ các công ty điện lực, chi phí tiền điện sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể.

 

Cụ thể, các hộ sử dụng dưới 50kWh/tháng, tiền điện tối đa phải trả thêm sẽ là 2.500 đồng/tháng, bằng 0,2% thu nhập của một số hộ dân có thu nhập thấp nhất; Các hộ sử dụng 100kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm sẽ vào khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,75% thu nhập của một hộ dân có thu nhập dưới trung bình; Các hộ sử dụng 150 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm sẽ khoảng 18.000 – 19.000 đồng/tháng, bằng 0,62% thu nhập của một hộ dân có thu nhập trung bình; Các hộ sử dụng 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm sẽ khoảng 21.000 đồng, bằng 0,47% thu nhập của một hộ dân có thu nhập khá; Các hộ sử dụng từ 300 kWh/tháng trở lên, tiền điện phải trả thêm từ 25.000 – 30.000 đồng/tháng, bằng 0,3% thu nhập của một hộ dân có thu nhập cao.

 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cũng cho biết, việc tăng giá điện trong năm 2009 không phải để ngành điện bù lỗ mà để chuyển dần hoạt động theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, sẽ có đề án tái cơ cấu ngành điện để tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, việc tăng giá điện không phải chỉ phục vụ cho EVN mà cho cả nhiều đơn vị tham gia phát điện khác như Lilama, TKV, Sông Đà…; tăng giá điện để ngành điện kêu gọi được đầu tư, phát triển theo Tổng sơ đồ 6 (mỗi năm đưa thêm vào 4.000MGW điện mới), đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng thiếu điện, phục vụ phát triển đất nước. Giá điện sẽ điều chỉnh 1 năm/1 lần, việc tăng hay giảm sẽ tùy theo chi phí đầu tư – sản xuất.

 

Được biết, để triển khai thực hiện biểu giá mới, đặc biệt là để có sơ sở cho thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, hiện nay Bộ Công Thương đang tích cực cùng Bộ Tài chính soạn thảo các thông tư hướng dẫn thực hiện, trong đó có thông tư cho phép hạch toán tách bạch chi phí của từng khâu phát điện, truyền tải, phân phối để làm cơ sở cho tính toán chính xác giá thành các khâu làm cơ sở cho điều chỉnh giá điện khi có thông số đầu vào. 

 

 

Theo HNM

Tệp đính kèm