Cập nhật: 25/04/2009 22:10:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc người tiêu dùng tin rằng sữa đắt nhất thì mới tốt nhất, cùng xu hướng chọn mua loại đắt nhất, là những yếu tố khiến giá sữa tại Việt Nam (VN) cao ngất ngưởng.

Dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, ông Raf Somers - Cố vấn trưởng Dự án Bò sữa Việt Bỉ cho hay, trong khi giá sữa ở các nước châu Âu, Nam Mỹ… dao động từ 0,5 - 0,9 USD/lít, thì tại VN trung bình ở mức 1,1USD, thuộc loại cao nhất thế giới.

 

Nhận xét này của ông Raf Somers được đưa ra tại cuộc hội thảo Thúc đẩy sự gắn kết ngành sữa VN với thế giới diễn ra hôm 23/4 tại Hà Nội.

 

Bên cạnh các yếu tố cấu thành giá sản phẩm như giá sữa nguyên liệu, chi phí sản xuất, đóng gói, lợi nhuận của nhà chế biến, phân phối bán lẻ, các chính sách thuế… thì thị hiếu, xu hướng chọn mua loại đắt nhất có thể của người tiêu dùng VN cũng góp phần làm tăng giá sản phẩm sữa.

 

“Nhiều người tiêu dùng cho rằng, sản phẩm càng đắt tiền thì chất lượng càng cao. Chính vì vậy, sau khủng hoảng sữa nhiễm chất melamine cuối năm 2008, thì đầu 2009 xảy ra hiện tượng một số hãng sữa tăng giá sản phẩm để tăng doanh số bán hàng”, ông Raf Somers nói.

 

Đề cập đến lợi nhuận của nhà sản xuất, chuyên gia này cho rằng, mức cao nhất hiện nay là sản phẩm sữa bột mà tại VN, trẻ em là đối tượng tiêu thụ chủ yếu.

 

Theo đó, chỉ tính loại sữa bột giá thấp và giá trung bình trên thị trường thì nhà sản xuất thu lợi từ 22-86% chi phí sản xuất và từ 15-40% giá bán lẻ.

 

Kế đến là sữa chua với lợi nhuận chiếm trung bình 54% chi phí sản xuất, 30% giá bán lẻ. Con số này ở sản phẩm sữa nước lần lượt là 48% và 28%; sữa đặc là 17% và 12%.

 

Cũng theo số liệu từ Euromonitor, dự báo đến năm 2011, sữa nước và sữa bột tại VN sẽ có mức tăng trưởng gấp đôi so với các con số 149.000 tấn sữa nước, 27.000 tấn sữa bột gầy và 39.000 tấn sữa bột nguyên kem được tiêu thụ trong năm 2008.

 

Ngay lúc này, lợi nhuận cao nên các hãng liên tục đầu tư những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu mua sữa tươi trong nước. Trong đó, các công ty có chu trình sản xuất khép kín, với vùng nguyên liệu riêng như Mộc Châu, Ba Vì chỉ 1-2 năm nay đã nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị phần.

 

Nhận xét các sản phẩm sữa tại VN còn đơn giản, chưa nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; liên kết trong các khâu từ thu mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến, phân phối còn rời rạc, ông Raf Somers khuyến cáo, ngành sữa VN cần gắn kết chặt chẽ với thế giới và ngược lại để tăng tính cạnh tranh.

 

Theo ông, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện giám sát kiểm soát các chuỗi giá trị để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các khâu, “từ trang trại tới bàn ăn” trong chuỗi ngành sữa.

 

Phân bổ thị phần sản xuất sữa tại Việt Nam

 

Vinamilk chiếm 35%; Dutch Lady chiếm 24%; 22% là các sản phẩm sữa bột nhập khẩu như Mead Johnson, Abbott, Nestle…; 19% còn lại là các hãng nội địa: Anco Milk, Hanoimilk, Mộc châu, Hancofood, Nutifood…

 

Trong đó, nhóm sữa đặc: Vinamilk chiếm 79%; Dutch Lady chiếm 21%. Sữa nước: Dutch Lady chiếm 37%; Vinamilk: 35%. Sữa chua: Vinamilk chiếm 55%. Sữa bột: Dutch Lady chiếm 20%, Abbott và Vinamilk cùng chiếm 16%; Mead Johnson 15%; Nestle: 10%.

 

 

Theo VNN

Tệp đính kèm