Cách đây 8 tháng, khi thế giới còn đang ở trong tình trạng bong bóng tài sản, có lẽ chẳng thị trường nào sốt nóng hơn thị trường hàng hóa. Giá cả mọi loại nguyên vật liệu thô từ quặng sắt, tới dầu cọ, tới ngô đều đạt những đỉnh cao chóng mặt.
Khi đó, giá dầu thô tăng gấp 5 lần so với thời điểm 5 năm trước, trong khi giá gạo tăng gấp 3 lần trong vòng có 5 tháng. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã gọi việc giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao là một “thảm họa do con người tạo ra”, một thảm họa có nguy cơ xóa sạch tiến bộ vượt nghèo của thế giới trong nhiều năm.
Những cuộc biểu tình và bạo loạn phản đối giá cả các mặt hàng thiết yếu leo thang bùng nổ khắp ở nhiều nước đang phát triển. Giới học giả lật giở lại học thuyết Malthus cho rằng, hành tinh này không có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của tầng lớp dân số giàu có đang ngày càng phình ra.
Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã đảo ngược tình thế. Sau khi thời kỳ bong bóng kinh tế trên thế giới đi vào hồi kết, nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa cho việc xây dựng nhà cửa và sản xuất các loại hàng hóa tiêu dùng lâu bền như xe hơi, máy tính… đột ngột bốc hơi nhanh chóng. Từ giữa năm 2008 tới nay, chỉ số giá hàng hóa Dow Jones-AIG tại thị trờng Mỹ đã mất một nửa giá trị. Do giá kim loại lao dốc, tháng 1 vừa qua, hãng khai mỏ hàng đầu thế giới BHP Billiton tuyên bố hoãn khai thác một mỏ nickel ở Australia chỉ 8 tháng sau khi chính thức mở cửa mỏ này.
Sự chuyển biến rõ nét nhất diễn ra trên thị trường dầu lửa. Cách đây 1 năm, các chính phủ phương Tây ra sức kêu gọi các nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh tăng sản lượng dầu khi giá nhiên liệu này “phi nước đại” về mức 150 USD/thùng. Nhưng hiện nay, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang ra sức cắt giảm sản lượng để duy trì giá “vàng đen” quanh ngưỡng 50 USD/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu của thế giới năm nay sẽ giảm với tốc độ nhanh nhất từ đầu những năm 1980 tới nay. Một số chuyên gia tin rằng, giá dầu sẽ chịu áp lực giảm trong nhiều năm tới đây, nhờ hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, những tiến bộ kỹ thuật trong khai thác dầu, và mức độ sẵn có gia tăng của các loại nhiên liệu thay thế, chẳng hạn nhiên liệu sinh học.
Nhưng trong vài tháng trở lại đây, thị trường hàng hóa thế giới lại chứng kiến một số chuyện được xem là khá lạ.
Sau khi lao dốc chóng mặt, giá dầu, đồng, dầu cọ và nhiều mặt hàng khác lại đang phục hồi mạnh. Lẽ ra, trong tình trạng kinh tế thế giới yếu ớt thế này, sự phục hồi như vậy khó có thể xảy ra. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 1,3% trong năm nay, đánh dấu năm suy thoái nghiêm trọng nhất từ thập niên 1930 trở lại đây. Nhưng giá dầu thô hiện vẫn cao hơn so với ở thời điểm tháng 12 năm ngoái tới 50%. Giá dầu cọ, loại nguyên liệu được sử dụng trong nhiều mặt hàng thực phẩm công nghiệp, cũng đã tăng gấp rưỡi từ đầu năm tới nay.
“Khu vực duy nhất của kinh tế thế giới mà tôi được biết có sự đi lên thời gian này là thị trường hàng hóa. Tình hình ở hãng xe General Motors hay ngân hàng Citibank đều không cải thiện, nhưng giá hàng hóa vẫn đi lên”, tỷ phú đầu tư Jim Rogers của Mỹ nhận xét.
Vậy tại sao giá hàng hóa lại tăng ngay giữa lúc kinh tế thế giới suy thoái sâu như hiện nay? Câu trả lời ở đây là: nhu cầu đối với một số loại nguyên vật liệu thô đang phục hồi nhẹ. Trong trường hợp dầu thô, lý do là nguồn cung đã bị bóp lại do hoạt động cắt giảm sản lượng của OPEC. Bên cạnh đó, các nhà giao dịch hàng hóa cũng nâng giá chào mua hàng hóa với kỳ vọng sự hạn hẹp nguồn cung sẽ lại xuất hiện giữa lúc nhu cầu có sự khởi sắc chút ít.
Chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tín dụng, các hãng khai mỏ, nông dân và các công ty thằm dò dầu khí khó tìm kiếm được nguồn vốn để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Thậm chí, nhiều công ty sẽ không đầu tư mở rộng sản xuất ở thời điểm này cho dù họ có vốn, do giá hàng hóa còn thấp khiến các dự án không có tính kinh tế cao. Trên thực tế, khi giá hàng hóa tăng vọt trong thời kỳ 2007-2008, lý do không phải là thế giới cạn tài nguyên thiên nhiên, mà là do các chính phủ và doanh nghiệp chưa đầu tư đủ vào nhiều lĩnh vực khai thác để đưa những nguồn tài nguyên đó ra thị trường.
Suy thoái khiến tình hình thêm tồi tệ. Chẳng hạn, theo giới phân tích, đầu tư vào ngành dầu lửa sẽ thấp 30% trong năm nay và giảm thêm ít nhất 40% trong năm 2010 so với mức kỳ vọng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Trong lĩnh vực khai mỏ, đầu tư có thể giảm 40% trong năm 2009-2010.
Do các mỏ dầu và mỏ đồng mới phải mất hàng năm trời mới hoạt động hết công suất, sự suy giảm đầu tư hiện nay sẽ gây ra tình trạng nguồn cung thắt chặt trong tương lai không xa. Thêm vào đó, có đủ lý do để tin rằng, những thị trường đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục là những “cỗ máy” ngốn nhiều quặng sắt, dầu lửa và thực phẩm khi mà những nền kinh tế này phình ra và người dân ở đó giàu lên thêm. Ví dụ, giá dầu cọ đang trên đà tăng do nhu cầu từ Ấn Độ, quốc gia với dân số 1 tỷ người, đang leo thang.
Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu lượng quặng sắt và than lớn kỷ lục, trong khi nhập khẩu dầu thô của nước này đạt mức cao nhất trong 12 tháng. Sự gia tăng này một phần xuất phát từ niềm lạc quan cho rằng gói kích thích kinh tế trị giá 565 tỷ USD của nước này sẽ giúp tăng trưởng phục hồi. “Sau một thời gian tạm lắng ngắn ngủi, nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc lại gia tăng mạnh mẽ” ông Jing Ulrich, Chủ tịch bộ phận thị trường cổ phiếu của JPMorgan tại Hồng Kông, nhận xét.
Dĩ nhiên, các mặt hàng khác nhau sẽ có phản ứng không giống nhau trước sự khởi sắc của kinh tế thế giới, do sự khác biệt về tình hình nguồn cung và nhu cầu. Điều này khiến việc xác định thời điểm thị trường hàng hóa thực sự phục hồi mạnh mẽ là một việc chẳng dễ dàng.
Nhà đầu tư Rogers cho hay, ông kỳ vọng thị trường hàng hóa sẽ là thị trường đầu tiên cất cánh khi kinh tế thế giới phục hồi. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không tin là giá hàng hóa sẽ bật dậy nhanh chóng, do các kho dự trữ nhiều mặt hàng, như dầu lửa, vẫn cao. Đồng thời, nhu cầu các nguyên vật liệu thô trong một số ngành công nghiệp đã giảm rất sâu và khó có thể sớm phục hồi hoàn toàn.
Ông Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của Merrill Lynch tại London, cho rằng, giá hàng hóa chỉ có thể quay lại mức của năm 2007 vào năm 2011 là sớm nhất. “Vài năm nữa, nguồn cung hàng hóa sẽ lại căng thẳng. Nhưng điều này sẽ không xảy ra trong vòng 6-12 tháng tới”, ông nói.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tin tưởng vào sự đi lên của giá hàng hóa cho rằng, chẳng có mấy áp lực đối với giá các nguyên nhiên liệu này, cho dù lợi nhuận chưa chắc sẽ sớm đến với họ. Một số người còn coi hàng hóa là một kênh đầu tư chống lại một nguy cơ đang hiển hiện - nguy cơ lạm phát. Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm mục đích kích thích tăng trưởng rốt cục sẽ châm ngòi cho lạm phát, giá hàng hóa có thể leo thang nhanh chóng.
“Dù kinh tế thế giới phục hồi có sớm phục hồi hay không, thị trường hàng hóa cũng sẽ là nơi tốt nhất để rót vốn”, nhà đầu tư gạo cội Rogers khẳng định.
Theo Time/VnEconomy