Cập nhật: 26/05/2009 23:55:23 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bội chi ngân sách năm 2009 không nên vượt quá 7%, chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở vùng nông thôn là những kiến nghị chính của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 26/5. 

 

Sáng nay (26/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội Nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.

 

Tại buổi thảo luận, Quốc hội tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính: Các giải pháp của Chính phủ đã thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế-xã hội; Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế-xã hội kiến nghị lên Quốc hội từ nay đến cuối năm 2009; Sự cần thiết và tính hợp lý của những chỉ tiêu dự kiến điều chỉnh theo tờ trình của Chính phủ; Vấn đề miễn, giảm thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) trong 6 tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2009.

 

Phải phân bổ, giám sát hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ

 

Về các giải pháp của Chính phủ đã thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm, đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn Lâm Đồng), Bùi Văn Tỉnh (đoàn Hoà Bình) cho rằng: Để khắc tình trạng suy giảm kinh tế, Chính phủ đã ban hành các giải pháp kích cầu nhằm  kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thanh Phong, những gói kích cầu của Chính phủ phần lớn có tác dụng cho những doanh nghiệp đang làm ăn phát triển được còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp thì khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách thông thoáng hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn vì đây là những doanh nghiệp có nhiều lao động.

 

Việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% xuống khoảng 5% là hợp lý trong tình trạng nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thanh Phong và Bùi Văn Tỉnh, nếu Chính phủ phân bổ, giám sát những gói kích cầu hợp lý, sử dụng hiệu quả  20.000 tỷ đồng nguồn phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, tăng cường phát triển mặt hàng nội địa, giảm nhập siêu thì chắc chắn chỉ số GDP sẽ dần tăng lên ở những năm tiếp theo.

 

Bội chi ngân sách không nên quá 7%

 

Về vấn đề bội chi ngân sách, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Năm 2009, khoản bội chi ngân sách chỉ nên dừng ở mức 7%. Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) cho rằng, để giảm bội chi ngân sách cần thực hiện cắt giảm những khoản chi không cần thiết như khánh tiết, hội họp…

 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) nêu ý kiến, bội chi ngân sách nên dừng ở mức 6,5%. Nếu bội chi ngân sách tăng sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn cho ngân sách quốc gia. Để giám sát khoản bội chi, cần phải kiểm soát chặt chẽ ngân sách tạm ứng như cho vay ưu đãi. Nếu không thực hiện tốt vấn đề này thì nguy cơ tái lạm phát sẽ lại diễn ra.

 

Có thể thu Thuế thu nhập cá nhân từ 6 tháng cuối năm 2009

 

Về vấn đề miễn, giảm Thuế TNCN, Chính phủ đã đề nghị miễn toàn bộ số thuế TNCN đối với các đối tượng đã được giãn thuế trong 6 tháng đầu năm 2009. Việc miễn, giảm thuế TNCN đã được nhân dân đánh giá cao nhằm góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), việc miễn, giảm thuế TNCN không nên kéo dài và nên chỉ dừng lại 6 tháng đầu năm 2009. Việc thu thuế TNCN nên thực hiện bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2009. Mức thu thuế không nên cào bằng. Bộ Tài chính cần nhanh chóng mở mã số để nhân dân đóng thuế, tránh để xảy ra tình trạng thực hiện vội vàng, quá tải.

 

Cùng với ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, việc thu thuế TNCN nên áp dụng bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2009. Việc áp dụng thuế cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ Bộ Tài chính.

 

Giải quyết việc làm cho người lao động ở vùng nông thôn

 

Về vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, Đại biểu Võ Thị Thuỷ (đoàn Bình Định) đưa ra một thực tế: Tình hình kinh tế thế giới suy thoái khiến cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài cắt giảm chỉ tiêu lao động. Điều này đã khiến cho nhiều lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài phải trở về nước khi hợp đồng lao động vẫn còn. Song trong báo cáo của Chính phủ chưa có số lượng cụ thể về số lượng hộ nghèo, công nhân bị mất việc làm.

 

Giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn cần được quan tâm

 

Nhiều người lao động bị mất việc trở về nông thôn tìm kiếm công việc mới trong khi đó các cơ sở sản xuất ở nông thôn lại gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu vốn. Đại biểu Võ Thị Thuỷ cho rằng, Chính phủ cần có thêm những ưu đãi hỗ trợ cho những cơ sở sản xuất, làng nghề ở nông thôn có nhiều lao động mất việc ở nước ngoài trở về. Bên cạnh đó, cần đưa ra ưu đãi giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng để có thể mua sắm trang thiết bị nông nghiệp phục vụ cho sản xuất, trồng trọt.

 

Đồng ý với quan điểm này, Đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai) cho rằng: Chính phủ cần tập trung đầu tư cho vùng nông nghiệp-nông thôn vì đây là khu vực thu hút tới 70% lao động cả nước. Để giải quyết việc làm ổn định cho nông dân, Chính phủ cần phân bổ gói kích cầu cho các địa phương để thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.

 

Khai thác bô-xít phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường

 

Hiện nay, dư luận cả nước đang quan tâm đến việc triển khai các dự án  bô-xít ở khu vực Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Trong những năm qua, nhiều cấp, ban, ngành của Lâm Đồng rất quan tâm đến việc khai thác bô-xít. Đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) cho biết: Tỉnh Lâm Đồng đã xác định việc triển khai thác bô-xít là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh. Quan điểm của tỉnh là không thể không khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của địa phương để phục vụ cho sự phát triển kinh tế nhưng cũng không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà không đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đại biểu Lê Thanh Phong mong muốn Quốc hội và nhân dân cả nước ủng hộ cho Lâm Đồng triển khai dự án khai thác bô-xít tại địa phương một cách hiệu quả nhất.

 

Đại biểu Điểu K’ Ré (Đắc Nông) cho rằng: Dự án khai thác, thăm dò bô xít giai đoạn 2007-2015 và có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có đề cập tới khai thác bô-xít ở Đắc Nông giai đoạn I. Tỉnh Đắc Nông mong muốn Quốc hội và nhân dân cả nước ủng hộ việc thăm dò, khai thác bô-xít ở địa phương.

 

Tuy nhiên, Đại biểu Điểu K,Ré cho rằng, việc khai thác, thăm dò bô-xít cần phải chú trọng đến vấn đề quản lý các doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc.

 

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường./.

 

 

Theo VOV

 

 

Tệp đính kèm