Tại cuộc tọa đàm "Cơ hội và giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng" do báo Nhân Dân tổ chức mới đây, các cơ quan chức năng nhận định, trong quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam phải chịu những sức ép, nhưng qua đó cũng bộc lộ rõ hơn khiếm khuyết nội tại.
Đó là tốc độ tăng trưởng thấp, tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả diễn ra trong khối DN khu vực kinh tế nhà nước, thiếu các ngành, sản phẩm mũi nhọn có sức cạnh tranh cao, mức độ hiện đại trong công nghệ sử dụng chỉ đạt trung bình hoặc thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp…
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu vào là vốn thuần túy và từ nguồn lao động (lần lượt chiếm khoảng 50% và 25% trong tăng trưởng) để gia tăng năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, sự mất cân đối hoặc mâu thuẫn trong phát triển KT-XH chưa được khắc phục dứt điểm, như: phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tình trạng khai thác tài nguyên cạn kiệt, khoảng cách phát triển và mức sống, đầu tư giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng, miền. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nền kinh tế có thể phải đối mặt với tình trạng trì trệ và lạm phát xuất hiện đồng thời, thiếu nhân công cục bộ; khả năng hấp thụ vốn đầu tư ở mức thấp...
Duy trì tăng trưởng dương
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu tối đa hệ lụy của cuộc khủng hoảng. Đến nay, khoảng 8 tỷ USD nhằm kích cầu đã, đang được giải ngân trên nhiều lĩnh vực để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, cộng đồng DN và bộ phận dân cư nghèo, công nhân và sinh viên được hưởng lợi kịp thời từ các khoản kích cầu thông qua những dự án thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng, nhà ở, giao thông, trường, trạm và DN được hỗ trợ lãi suất… Chính quyền các địa phương cũng rà soát lại danh mục dự án đầu tư, kiên quyết loại bỏ những dự án chưa cần thiết, dồn sức cho những công trình thật sự hữu ích cho quốc kế dân sinh, kích cầu đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, đồng thời giải tỏa một phần hàng hóa, nguyên vật liệu tồn kho cho DN.
Các biện pháp kích cầu đã phát huy tác dụng, kịp thời ngăn chặn đà suy giảm, bảo đảm các mục tiêu vĩ mô như an sinh xã hội. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi vẫn duy trì vị thế một trong số rất ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định sẽ tăng cường đầu tư và lựa chọn Việt Nam với thứ tự ưu tiên cao hơn các nước khác. Đại diện Đoàn nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ khẳng định, trong vòng 2-3 năm nữa họ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam thông qua việc triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế đã hé lộ những dấu hiệu ấm dần lên với hy vọng thoát khỏi khủng hoảng vào cuối năm nay và hồi phục vào giữa năm sau.
Điều tiết vốn, thị trường linh hoạt
Một số nhà kinh tế đã biểu thị tình huống này theo ý "phúc trong họa", cần được xem như một dịp để nhận diện yếu kém, tìm giải pháp khắc phục, sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh hơn sau khủng hoảng.
Phát biểu tại cuộc Tọa đàm Cơ hội và giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng do báo Nhân Dân tổ chức, Giáo sư kinh tế Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, hiện tại chính là lúc thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; đồng thời tìm những giải pháp phù hợp để kìm hãm hệ lụy từ nguy cơ lạm phát, thất nghiệp có thể xảy ra ở mức sâu hơn trong thời gian tới. Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu chuyên trách của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đồng quan điểm nói trên và cho rằng, trước tiên phải triệt tiêu những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế. Nói cách khác, việc tái cấu trúc nền kinh tế cần được tập trung nghiên cứu thỏa đáng, nhanh chóng ngay trong tình huống khủng hoảng để có thể phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao hơn trong chiến lược dài hạn. Theo đó, cần có biện pháp điều tiết vốn, thị trường linh hoạt để phòng tránh việc vỡ "bong bóng" bất động sản và chứng khoán; huy động và hướng các dòng vốn vào những lĩnh vực cần thiết, có trình độ và khả năng bảo toàn, phát triển vốn cao. Cơ quan vĩ mô cần theo dõi sát tình hình, thực hiện hài hòa giữa mục tiêu hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó chú trọng kích cầu tiêu dùng nội địa để tạo đường ra cho DN. Trong bối cảnh vốn được bơm mạnh ra thị trường, Chính phủ, cơ quan chức năng cần tăng tốc đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án hạ tầng quan trọng sớm đưa vào sử dụng, đồng thời cũng nhằm tháo gỡ "nút cổ chai" hạ tầng cơ sở, thúc đẩy đầu tư. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng quý I đã đạt 6,9%, trong khi con số tương tự cùng kỳ năm ngoái là giảm 0,4%.
Việc hỗ trợ DN là chủ trương đúng, nhưng rất cần được lựa chọn để phát huy giá trị từng đồng vốn, nhất là cần tránh cách làm theo kiểu "mưa đều" dẫn đến lãng phí vốn hoặc khó hoàn vốn. Chỉ nên hỗ trợ những đơn vị có ý thức vươn lên, có khả năng tồn tại và phương án duy trì hoạt động nhằm thoát khỏi suy thoái, bảo vệ người lao động. Theo nhiều chuyên gia kinh tế có thể mạnh dạn chấp nhận sự đổ vỡ của một số DN không còn sức sống để có điều kiện tập trung hỗ trợ những DN có khả năng vượt khó vươn lên.
Bên cạnh đó, từng DN với vai trò là tế bào của nền kinh tế, cũng cần nỗ lực vào cuộc, tranh thủ tái cơ cấu sản xuất và sản phẩm. DN được khuyến cáo nên tận dụng cơ hội các DN nước ngoài chào bán dây chuyền sản xuất hiện đại hoặc vật tư, nguyên, vật liệu với giá rẻ để đầu tư nhằm gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Theo Báo HNM