Cập nhật: 02/06/2009 20:56:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại hội thảo “Sữa với người tiêu dùng VN” do Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Cục ATVSTP, Viện Dinh dưỡng vừa tổ chức tại Hà Nội, TS. Hồ Tất Thắng – Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, giá sữa ngoại tại nước ta cao gấp 1,5 - 2 lần so với các nước trong khu vực, điều này là một nghịch lý...

Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng VN, sữa càng đắt tiền thì chất lượng sẽ cao, sẽ bổ sung nhiều lần chất giúp trẻ thông minh... Đây là một quan niệm sai lầm.Theo ông Thắng, giá sữa ngoại đắt tiền là do chịu rất nhiều chi phí như giá vận chuyển, phí lưu kho, chi phí quảng cáo... chứ không phải do chất lượng sữa được cải thiện hơn. Khi giá sữa trên thị trường thế giới đã giảm mạnh nhưng giá bán của các loại sữa trong nước vẫn không hề giảm, thậm chí, đối với một số loại sữa bột nhập khẩu giá vẫn tăng. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn giữa giá bán của các loại sữa được sản xuất trong nước và sữa nhập khẩu chủ yếu là do tâm lý của người tiêu dùng. Đặc biệt, khi mà gần đây các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các sản phẩm sữa có nhiễm melamine hay có hàm lượng đạm thấp hơn nhiều so với công bố. Điều này đã khiến người tiêu dùng cho rằng, sản phẩm sữa nhập khẩu được áp dụng theo những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt hơn nên chất lượng sẽ đảm bảo hơn.

  

Mặt khác, cứ hễ sản phẩm nào được quảng cáo có bổ sung nhiều lần các dưỡng chất thông minh là họ sẵn sàng mua với bất cứ giá nào, dù không biết thực tế có đúng như vậy không. Ngược lại, các nhãn sữa cũng đua nhau thêm thắt đến năm bảy thành phần để thu hút khách và tăng giá. Thêm nữa, người tiêu dùng luôn ở thế yếu, vừa thiếu thông tin giữa một “rừng” sữa, không có khả năng can thiệp giá cả mà khả năng chịu rủi ro lại cao.

 

Đề cập đến chất lượng các hãng sữa, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học lâm sàng do Viện tiến hành trên 560 trẻ nhằm đánh giá hiệu quả các công thức sữa đang có mặt trên thị trường Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy: Nhóm trẻ sử dụng sữa nội cũng phát triển tương đương với nhóm trẻ dùng sữa ngoại. Tuy nhiên, so về giá, sữa ngoại đắt gấp 3 lần sữa trong nước. Chính tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hàng nhập ngoại, coi hàng đắt tiền nghiễm nhiên là hàng tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường sữa. Rất ít người dân có đủ kiến thức để biết cách chọn sữa dựa trên nhu cầu dinh dưỡng đặc thù cho con trẻ. Điều quan trọng hơn nữa là chính các hãng sữa Việt Nam không thực sự tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước.

 

 Ông Lê Văn Dũng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế tán đồng quan điểm này và cho biết, nhiều hãng sữa lớn trong nước xuất sản phẩm ra nước ngoài nhưng không có giấy chứng nhận VSATTP nên bị doanh nghiệp nước ngoài từ chối nhập khẩu. Có nhiều doanh nghiệp trong nước đã sản xuất rồi nhưng giờ mới bắt đầu xin giấy chứng nhận VSATTP khiến sữa nội ở “cửa dưới” về chất lượng. Do đó, cải thiện chất lượng, hình ảnh của sản phẩm sữa nội cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sữa và biết cách lựa chọn sữa phù hợp cũng là cách để cải thiện thể trạng, sức khỏe của người Việt Nam.

 

TS Hồ Tất Thắng kiến nghị, để quản lý tốt chất lượng sữa trên thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định điều kiện vệ sinh an toàn đối với sữa và sản phẩm từ sữa. Đồng thời, cần thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố quy chuẩn VN thay thế cho việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thực phẩm. “Vì thực tế, có doanh nghiệp công bố chất lượng, có doanh nghiệp không. Trong số doanh nghiệp tự công bố chất lượng, không ít doanh nghiệp bán ra thị trường sản phẩm sữa kém chất lượng, không đúng với công bố”. Theo ông, phải đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn và kiểm soát giá, thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu sữa, đồng thời lập quỹ bình ổn giá sữa.

 

 

 

Theo Báo KT & ĐT

 

 

Tệp đính kèm