Cập nhật: 04/06/2009 22:10:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Trên thị trường tiền tệ, lãi suất đang biến động liên tục với hai chiều trái ngược nhau. Trong khi lãi suất VND đang tăng nóng, thì với USD lại giảm mạnh ở cả lĩnh vực huy động và cho vay.

Huy động VND: Tiến sát mốc 10%

 

Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa thông báo điều chỉnh lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn, mức tăng khá mạnh, từ 0,1% - 0,3%/năm. Lãi suất huy động VND của VIB ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã vượt mức 8%/năm; kỳ hạn 36 tháng lên 8,3%/năm.

 

VIB triển khai tặng lãi suất đối với khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn, khách hàng sẽ tặng lãi suất thưởng từ 0,3%/năm tới 0,45%/năm với kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Chính sách này đã đưa lãi suất thực nhận lên 9,3%/năm ở kỳ hạn 24 tháng và 9,55%/năm với kỳ hạn 36 tháng.

 

Tuy nhiên, lãi suất 9,55% chưa phải là đỉnh khi Ngân hàng An Bình (ABBANK) tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,9%. Áp dụng 8,7%/năm đối với tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng nhưng ABBANK đã thực khuyến khích khách hàng gửi tiền với các kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất bậc thang.

 

Cụ thể: 18 tháng lãi suất 9%/năm; 24 tháng lãi suất 9,2%/năm; 60 tháng là 9,5%/năm. Đặc biệt nếu gửi tiết kiệm với kỳ hạn càng dài và số tiền lớn thì mức lãi suất có thể lên đến 9,7%/năm.

 

Không thể đứng yên, hầu như tất cả các ngân hàng đều ít nhất 1 -2 lần điều chỉnh lãi suất trong thời gian gần đây.

 

Đặc biệt, mức lãi suất cao nhất hiện nay được xác định ở 9,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng của Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank). Đây có thể xem là đỉnh lãi suất trên thị trường hiện nay.

 

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng đã liên tiếp điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng Đông Nam Á áp dụng lãi suất đối với tiết kiệm bậc thang, lãi suất huy động VND 3 tháng từ 7,8% - 8,04%; 6 tháng từ 8,1% - 8,34%; 9 tháng từ 8,4% - 8,64%; 12 tháng từ 8,55% - 8,79%; 18 tháng từ 8,7% - 8,94%; 24 tháng từ 9,0% - 9,24%/năm...

 

Ngân hàng Phương Đông (OCB) quyết định tăng từ 0,1% - 0,6% đối với các kỳ hạn từ 7 tháng trở lên. Lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 36 tháng lên đến 9,3%/năm.

 

Danh sách tăng lãi suất gần đây gần như có đủ các ngân hàng như Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Việt Nam Thương tín… Mức tăng thấp nhất là 0,1% và cao nhất gần 1%.

Cuộc đua lãi suất VND giữa các ngân hàng càng ngày càng trở nên căng thẳng.

Tính chất căng thẳng không chỉ thể hiện ở mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng khi lãi suất liên tục được đẩy lên và các chiêu khuyến mãi hút khách liên tục đưa ra. Sự căng thẳng còn ở trong chính mỗi ngân hàng khi lãi suất tăng lên và áp lực kinh doanh có lãi ngày càng lớn.

 

Lãi suất cơ bản hiện nay là 7%, cho vay ra tối đa là 10,5%. Với khoảng cách đầu vào, đầu ra 0,5%, tất nhiên là các ngân hàng rất khó có thể kiếm lãi. Điều họ mong chờ hiện nay là giải ngân số vốn lớn thông qua các chương trình kích cầu của Chính phủ.

Đây là các khoản vay khá an toàn vì DN chỉ phải trả lãi suất thấp và ngân hàng được nhận một phần lãi từ ngân sách cấp bù... Tuy lợi nhuận ít, nhưng an toàn cao và số lượng lớn.

 

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất cao nhất lên tới 16,5%/năm, cũng như kinh doanh vốn trên các thị trường khác để kiếm lãi bù vào. Tuy nhiên, không loại trừ tâm lý nhiều ngân hàng đang hy vọng lãi suất cơ bản tăng lên vào cuối năm.

 

Lãi suất USD đồng loạt xuống mạnh

 

Sau tuyên bố đồng thuận hạ lãi suất của 4 ngân hàng quốc doanh lớn, lãi suất huy động USD đã đồng loạt hạ xuống 0,5%. Mức cao nhất hiện còn 1,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

 

Lãi suất cho vay USD tương ứng cũng giảm khoảng 0,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn và hiện giữ mức cao nhất còn 3%/năm. Thậm chí, Vietcombank chỉ áp dụng lãi suất 1,4%/năm cho các khách hàng tổ chức.

 

Giảm lãi suất ngoại tệ, để gỡi rối cho thị trường. (Ảnh: VNN)

 

Ngay sau động thái này, đã có hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất. Đáng chú ý, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD từ 0,3% - 0,85%/năm theo từng kỳ hạn.

 

Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng là 1,35%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 1,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên là 1,65%/năm. Ngân hàng Đông Á (DongA Bank)... có mức giảm khá mạnh khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức cao nhất còn 1,5%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

 

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cổ phần khác cũng đã bắt đầu giảm, nhưng mức giảm nhỏ giọt và mang tính thăm dò.

 

Ngân hàng Quân đội (MB) đã điều chỉnh giảm từ 0,1% - 0,25% với mức lãi suất cao nhất hiện nay là 2,80%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng.

Ngoài ra, lãi suất áp dụng cho đồng Euro cũng giảm từ 0,1% - 0,6% với mức lãi suất cao nhất là 2,40% áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng.

 

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, chắc chắn thời gian tới, việc hạ lãi suất USD sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng hơn, vì các ngân hàng không có cách nào khác để giải tỏa khối ngoại tệ đang được gửi khá lớn tại ngân hàng ngoài cách hạ lãi suất để hấp dẫn DN vay USD thay vì mua như hiện nay.

 

Hiện nay, nếu vay vốn bằng VND sau khi trừ mức hỗ trợ 4%/năm (nếu nằm trong diện được hỗ trợ) thì DN chỉ phải trả mức lãi vay cao nhất 6,5%/năm mà không lo ngại rủi ro về biến động tỉ giá.

 

Nếu vay USD theo lãi suất lúc chưa giảm cũng lên đến 4 - 5%, mức chênh lệch lãi suất không lớn mà phải chịu biến động tỷ giá, nên không mấy ai muốn vay. Giảm lãi suất chính là cách giúp ngân hàng giải quyết được bài toán vốn USD đang dư thừa.

 

 

 

Theo VNN

Tệp đính kèm