Cập nhật: 14/06/2009 16:12:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính trích 47,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2009 trợ giúp một số địa phương để chống hạn vụ đông xuân 2008-2009.

Theo đó, mức kinh phí phân bổ cụ thể: Hà Giang 8,6 tỷ đồng; Bắc Giang 6,2 tỷ đồng; Hà Nam 6,7 tỷ đồng; Ninh Bình 8,2 tỷ đồng; Thanh Hóa 9,9 tỷ đồng; Nghệ An 7,5 tỷ đồng. Các địa phương sử dụng số tiền này để trả tiền điện, xăng dầu bơm nước vượt định mức, nạo vét các cửa lấy nước, trục sông chính tăng thêm so với mức bình thường.

 

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp chống hạn cho cây trồng. Trong những ngày hạn nặng, đóng tuyệt đối các cống Nghi Quang, Bến Thủy, Diễn Thành, để tránh mặn xâm nhập. Trong những tháng tới, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, sẽ có khoảng 4.000 ha lúa hè thu nguy cơ mất trắng. Dự báo, hạn nặng thường xảy ra trên địa bàn tỉnh vào tháng 7, 8, khi lúa đang ở giai đoạn trổ bông, làm đòng.

 

Từ tháng 3 đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền trung từ Nghệ An đến Phú Yên đã xảy ra hàng chục vụ sét đánh và lốc xoáy làm nhiều người chết, nhiều nhà cửa, tài sản và hoa màu của người dân bị hư hại. Ngày 16-5, sét đánh xảy ra tại xã Nam Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) làm sáu người đang gặt lúa chết và chín người bị thương nặng. Tối 18-5, một cơn lốc xoáy kèm theo mưa dông đã quét qua các xã Ðức An, Ðức Dũng, Ðức Lập của huyện Ðức Thọ, làm 209 ngôi nhà bị tốc mái, một người chết và mới đây nhất, tối  9-6, tại Quảng Nam, lốc và sét đã làm chết ba người. Các tỉnh miền trung cần có biện pháp phòng, chống hiệu quả  lốc xoáy, sét đánh, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.Theo Ban quản lý Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La, tại thị xã Mường Lay (Ðiện Biên), hiện vẫn còn 67 hộ dân thuộc bản Na Nát, phường Na Lay nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét chưa di dời. Hiện  đang  vào mùa mưa nên việc xảy ra lũ quét có thể diễn ra bất cứ lúc nào, vì vậy việc di chuyển các hộ dân trên ra khỏi vùng nguy cơ lũ quét là cần thiết và cấp bách. Dự kiến, chậm nhất đến giữa tháng 6, các gia đình nằm trong vùng nguy cơ lũ quét sẽ được di chuyển đến nơi mới.

 

Trong vài năm trở lại đây, tuyến đê Biển Tây (Cà Mau) luôn bị sạt lở, có đoạn nước biển đã tràn qua tuyến rừng phòng hộ, ngập tới chân đê. Nếu vỡ đê sẽ làm hơn 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Ðây là công trình được đầu tư trước năm 2000, với tổng nguồn vốn hơn 60 tỷ đồng, phục vụ việc ngăn mặn và là công trình giao thông trong khu vực này. Tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng tại chỗ gia cố những nơi bị sạt lở, tổ chức trồng rừng phòng hộ để ngăn sóng biển.

 

 

Theo Báo ND

Tệp đính kèm