Cập nhật: 23/06/2009 22:10:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nền kinh tế VN đã có những dấu hiệu sáng hơn từ những nỗ lực chống suy giảm của Chính phủ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, rất nhiều khó khăn vẫn còn đang ở phía trước.

Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty thời trang Li Ta, chuyên kinh doanh vải sợi nhập khẩu và sở hữu thương hiệu thời trang Bolzano, cho rằng:

 

"Những biến động gần đây khiến chúng tôi lo lắng thật sự. Giá xăng chỉ trong 1 tháng tăng đến 3 lần, điện nước cũng tăng giá, chi phí sản xuất đã đội lên 10%".

 

Nhiều DN ví chuyện giá xăng, giá điện tăng ngay lúc vừa mới "dễ thở" nhờ gói kích cầu của Chính phủ giống như mới nổ máy chiếc xe lấy trớn phóng về phía trước thì bị người khác kéo lại.

 

Về xuất khẩu, ông Bùi Nguyên Khánh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Cà Mau, cho biết 6 tháng đầu năm doanh số của công ty giảm đến 40%.

 

"Các chính sách kích cầu của Chính phủ phát huy tác dụng, nhưng vẫn còn trở ngại, như khó luân chuyển vốn. Kinh tế VN có dấu hiệu khả quan, nhưng không chắc mọi chuyện sẽ diễn tiến ra sao", ông Khánh nói. 

 

TS Lê Đăng Doanh bày tỏ: "Tôi nhận thấy có một số bước hồi phục như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán ấm lên, sản xuất của một số ngành tốt hơn...”.

 

Nhưng theo ông Doanh "không nên lạc quan thái quá", khi xuất khẩu của VN chiếm đến 72% GDP, nhưng kinh tế thế giới chưa phục hồi thì khó đẩy mạnh sản xuất và tạo công ăn việc làm. 

 

"Lạc quan thái quá sẽ khiến chúng ta ào ạt đầu tư, bơm tiền ra, làm ra hàng hóa nhiều mà không bán được thì sẽ hụt hẫng và khó khăn hơn", ông Doanh nói.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xếp VN vào nhóm 1 trong 26 nước bị tác động nhiều nhất, tổn thương nhất bởi khủng hoảng. Đối với những nước này, khủng hoảng đến trễ hơn, ảnh hưởng sâu hơn và ở lại lâu hơn.

 

Theo bà Lan, chừng nào xuất khẩu và công nghiệp chưa thoát ra khỏi khó khăn thì tình hình thất nghiệp sẽ chưa ổn định. Thất nghiệp là tiêu chí quan trọng phản ánh tình hình suy thoái.

 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert B.Zoellick mới đây khẳng định, khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn trong năm 2009 và các nước nghèo vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Ông nói, "Mặc dù tăng trưởng được mong đợi sẽ phục hồi trong năm 2010, tốc độ của hồi phục sẽ không chắc chắn và tình trạng nghèo ở các nước đang phát triển sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các dư chấn hậu khủng hoảng".

 

 

Theo Thanh Niên

 

Tệp đính kèm