Cập nhật: 24/06/2009 22:17:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng chục tỉ USD tiền kích cầu và đầu tư nước ngoài, hàng trăm tỉ đồng tiền phát hành trái phiếu... là nguồn lực tài chính mạnh mẽ được tung ra và đầu tư cho sự phát triển kinh tế, xã hội của VN.

Thế nhưng, nguồn lực này lại bị "chặn đứng" bởi rào cản năng lực hấp thụ vốn. Các chuyên gia cảnh báo: Khi dòng tiền bị "chặn đứng" sẽ rất dễ sinh ra hiện tượng "xẻ dòng". Khi đó, nguồn tiền sử dụng sai mục đích có thể sẽ gây ra hệ luỵ khó lường.

 

Sức mạnh của dòng tiền

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm VN đã thu hút gần 9 tỉ USD tiền đầu tư từ nước ngoài (FDI). Cùng với dòng tiền này, Chính phủ cũng đã tung ra cả chục tỉ USD cho tổng thể các gói kích cầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phát hành và dự kiến phát hành trái phiếu để huy động hơn 60.000 tỉ đồng. Tất cả những dòng tiền này, cộng với dòng tiền huy động ở các thành phần kinh tế đã tạo nên nguồn lực tài chính dồi dào.

 

Với dòng tiền khổng lồ này, sức mạnh của nó là kinh khủng. Các chuyên gia cho rằng, VN đang "vẫy vùng" giữa các dòng tiền. Vì thế, yêu cầu tất yếu là dòng tiền phải có chỗ "chảy" - tức là cần phải "khơi thông" bằng cách đầu tư, sử dụng, kinh doanh... cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

 

Tuy nhiên, dường như việc "khơi thông" dòng tiền lại không đáp ứng được kỳ vọng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong 5 tháng đầu năm 2009, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện được 374.000 tỉ đồng. Đây là con số chỉ bằng 33,2% kế hoạch.

 

Tuy nhiên, điều lo ngại hơn là năng lực hấp thụ vốn FDI cũng rất hạn chế và chỉ bằng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2008. Cá biệt, việc giải ngân từ trái phiếu chính phủ chỉ ước đạt hơn 5.300 tỉ đồng - tương ứng với 15% kế hoạch. Trong đó, những nguyên nhân "truyền thống" như chậm giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu hạn chế... vẫn được viện dẫn để biện minh cho vấn đề này.

 

Đến đây, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng số đông chuyên gia đều lo ngại trước khả năng giải ngân quá chậm. Hình ảnh được so sánh là: Khi dòng tiền ồ ạt chảy thì bị "chặn đứng" bởi năng lực hấp thụ vốn.

 

Cảnh báo hệ luỵ và nguy cơ

 

Việc tạo ra rào cản "chặn đứng" dòng tiền sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ nhìn thấy. Đầu tiên là việc dòng tiền vốn là nguồn lực đã trở thành gánh nặng. Thực tế, trong số tiền này đã có không ít lượng tiền VN phải đi vay nợ và huy động từ các nguồn. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn tiền lãi suất không nhỏ phải gánh chịu.

 

Một hệ luỵ khác là trong khi nhu cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư sản xuất và cơ sở hạ tầng là có thật; song khoản tiền này đã không được sử dụng hiệu quả cho mục đích trên. Vô hình trung, nguồn lực không những bị lãng phí, mà còn là rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội cả trước mắt và lâu dài... 

 

Song, điều lo ngại hơn chính là những nguy cơ có thể xảy ra khi dòng tiền bị "tức nước". Trên thực tế, việc nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước dùng các khoản tiền chi dùng sai mục đích đã diễn ra khá phổ biến. Ngay trong bối cảnh hiện nay, việc các chuyên gia kinh tế lo ngại sẽ có một lượng tiền không nhỏ từ các gói kích cầu có thể bị "xẻ dòng" sang thị trường chứng khoán, đầu cơ bất động sản... không phải là không có cơ sở.

 

Thậm chí, bản thân các cơ quan chức năng cũng không dám chắc có thể kiểm soát được vấn đề này, khi mà thực tế năng lực hấp thụ vốn trong các lĩnh vực đầu tư cho đến nay hầu như vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, tình trạng chi tiêu công không đúng quy định, sử dụng ngân sách sai mục đích, bội chi và chi sai, chi vượt vẫn hằng tháng diễn ra.

 

Tìm kiếm giải pháp, hiện Bộ Tài chính đã có cơ chế mở bằng cách cho thanh toán trước, kiểm soát sau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết tâm giải ngân trái phiếu, nếu đơn vị nào không giải ngân được, vốn sẽ được điều chuyển cho các đơn vị có khả năng giải ngân tốt hơn...

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và cũng khó hiệu quả, khi mà sự hạn chế năng lực hấp thụ vốn gần như là yếu tố của cả hệ thống. Đặc biệt, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu không thận trọng, cơ chế này lại "vẽ đường" cho việc bằng mọi cách tiêu cho hết tiền.

 

 

Theo Lao Động

Tệp đính kèm