Cập nhật: 28/06/2009 16:48:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều cơ sở sản xuất trứng gà hiện nay cũng đang bị thu hẹp vì khó khăn về giá cả và dịch bệnh. Ngành chăn nuôi đang đứng trước những thách thức lớn trước tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới chưa phục hồi như hiện nay. 

CôngThương - Dự báo tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2009 chỉ đạt 5,7%, thấp hơn 0,3% so với tốc độ tăng trưởng của năm 2008.

 

Mặc dù theo những con số mà Tổng cục Thống kê đưa ra thì đến hết Quí I/2009, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cả nước ước đạt 720,7 tỷ đồng, tăng 9,4 % so cùng kỳ. Trong đó chăn nuôi gia súc tăng 9,8%; chăn nuôi gia cầm giảm 31,7%. Giá trị sản phẩm không qua giết thịt tăng 8,5% so cùng kỳ. Một trong những tỉnh đạt kết quả cao phải kể tới như Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai…

 

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Những tháng đầu năm 2009, ngành chăn nuôi nước ta liên tiếp đối mặt với những khó khăn chồng chất về mặt bằng giá cả, thiên tai dịch bệnh và đặc biệt là sự thay đổi thói quen tiêu dùng.

 

Theo ông Dương, hiện nay người tiêu dùng cần sản phẩm an toàn nên tại nhiều tỉnh thành người dân đã không còn mặn mà với chăn nuôi khiến cho lượng gia súc, gia cầm đang có xu hướng giảm đi rất nhiều. Hiện có đến 96,7% người tiêu dùng thừa nhận, dịch bệnh có ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng thực phẩm của họ. Trong đó, có 61,3% người tiêu dùng chọn sẽ giảm tiêu dùng khi có dịch, 59,1% chọn vẫn tiếp tục tiêu dùng nhưng sẽ chỉ mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và thương hiệu uy tín, và 35,4% cho rằng sẽ chuyển sang sử dụng một loại thực phẩm khác thay thế. Chỉ có 3,2% ý kiến cho rằng, dịch bệnh không ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng thực phẩm của họ.

 

Bên cạnh đó, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các sản phẩm gia cầm đã phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện tại trong các hệ thống siêu thị đều nhập tràn các sản phẩm ngoại như thịt gà, thịt heo, thịt bò… Sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài đã và đang tạo áp lực rất lớn đối với ngành chăn nuôi gia cầm hàng hóa nếu sau này theo lộ trình, hàng rào thuế quan từng bước bị dỡ bỏ (hiện các sản phẩm nhập chịu thuế nhập khẩu 12%). Thêm vào đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm nước ta hiện vẫn còn qui mô nhỏ, phân tán mang tính tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao, chăn nuôi gia cầm trên 87%, chăn nuôi heo trên 85%... Giá thành các sản phẩm chăn nuôi cao, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, nhất là cho xuất khẩu.

 

Tuy nhiên những năm tới, chăn nuôi Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Có nhiều nguyên nhân, song cơ bản là do xu thế chăn nuôi của thế giới phát triển mạnh về khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong thời gian vừa qua, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình phương hướng phát triển chăn nuôi từ nay đến năm 2020 lên Chính phủ và chiến lược này đã được phê duyệt. Trong đó, chiến lược đề ra mức tăng trưởng bình quân của ngành từ nay đến năm 2010 là 8-9% năm, giai đoạn 2010 - 2015 đạt khoảng 6-7% năm và 2015 - 2020 đạt khoảng 5-6%/năm. Ngành chăn nuôi cũng phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thịt xẻ các loại là 5.500 ngàn tấn, trong đó thịt lợn chiếm 63%, thịt gia cầm 32%, thịt bò 4%. Với mục tiêu này, đàn lợn sẽ được phát triển nhanh theo hướng nuôi trang trại, công nghiệp ở nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường như vùng Trung du, Duyên hải Bắc và Nam Trung Bộ, một số vùng ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.

 

 

Theo Báo Công Thương

 

Tệp đính kèm