Cập nhật: 17/07/2009 22:20:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quãng dao động của CPI trong cả năm nay được các chuyên gia kinh tế dự báo là từ 7% đến 8%. Năm 2009, giá cả thị trường Việt Nam sẽ biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn với biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ và các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hơn, có tiềm lực kinh tế hơn khi triển khai các giải pháp nhằm giữ ổn định giá cả thị trường.

Điểm sáng hiếm hoi

 

Tốc độ tăng giá cả và lạm phát nửa đầu năm 2009 và dự báo cả năm 2009 ở mức 1 con số là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng. Theo TS.Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng, Viện NCKH Thị trường giá cả, theo quy luật, có thể dự báo CPI cả năm đứng ở mức giữa năm 2005 và 2006, nói cách khác, CPI năm 2009 khoảng 7% - bằng chỉ số lạm phát cả năm vừa được Quốc Hội điều chỉnh.

 

“Áp lực của tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và sinh hoạt năm 2009 là có nhưng không tác động mạnh tới tăng CPI và lạm phát do tâm lý xã hội đã khác nhiều so với năm 2007-2008, quan trọng hơn là áp lực tăng giá không được sự hỗ trợ của thị trường quốc tế (yếu tố bên ngoài) và được giảm áp thông qua cơ chế tự động điều tiết tiêu dùng của các DN và hộ gia đình.” TS. Ánh phân tích.

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng chỉ số giá (CPI) tăng 0,44%. Đây là mức tăng bình quân hàng tháng của CPI khá thấp khi so sánh với các năm trước.

 

Năm 2009, nếu tính quy luật của diễn biến giá cả hàng tháng của các năm được phục hồi, giá cả có xu hướng tăng cao trong 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của tiêu dùng dịp Tết, sau đó, giảm trong tháng 3 rồi lại tăng đều đặn đến tháng 7 trước khi tăng nhẹ hơn trong những tháng 8-10 và lại tăng cao trong 2 tháng cuối năm dưới áp lực cả chi tiêu dùng và đầu tư.

 

PGS.TS. Đinh Xuân Hạng – Học viện Tài chính cũng đưa ra mức dự báo lạm phát 7,5 – 8 % căn cứ vào diễn biến tỷ lệ lạm phát 6 tháng đầu năm, những yếu tố thuận lợi tác động và những nguy cơ cần cảnh báo. Với mức dự báo đó, lạm phát 6 tháng cuối năm sẽ cao gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm.

 

Cơ sở cho các dự báo trên là các nguy cơ và yếu tố tác động đến nền kinh tế trong nửa cuối năm. Một là, suy thoái kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn và giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu (XK) bị thu hẹp, nhiều mặt hàng XK trước đây có lợi thế đến nay đã khai thác hết tiềm năng, nhập siêu có xu hướng tăng. Những luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm mạnh. Giá xăng dầu tăng làm giá thành hầu hết các mặt hàng sản xuất trong nước cũng tăng theo.

 

Bên cạnh đó, cân đối ngân sách nhà nước căng thẳng. Do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguồn thu NSNN bị eo hẹp, trong khi đó, nhu cầu chi lại tăng, buộc phải có những biện pháp cân đối bổ sung. Nếu theo phương án của Chính phủ, mức thâm hụt cả năm sẽ vào khoảng 8% GDP, nhưng từ những khó khăn trên của NSNN từ nay đến cuối năm 2009, mức bội chi sẽ cao hơn dự kiến. Mặt khác cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 chưa vững chắc, có thể tác động đến các cân đối vĩ mô khác. Một nguyên nhân nữa là, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những tác động sản xuất bị thu hẹp. Và cuối cùng là, các kênh tạo nên khối lượng tiền thừa trong lưu thông.

 

Kích cầu sẽ tăng lạm phát?

 

Việc kích cầu nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát vì việc sử dụng gói kích cầu đó cũng gần như tăng lưọng tiền trong lưu thông. “Đó là nguyên nhân trực tiếp của nguy cơ tái lạm phát trong nền kinh tế” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) phân tích. Với việc sử dụng gói kích cầu cùng với các tác động khác từ nền kinh tế thế giới, lạm phát có thể xảy ra song khả năng này bị khống chế bởi những tác động tích cực từ trong nền kinh tế đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu được giữ khá ổn định. “Trong đó, kích cầu trong nông nghiệp là một điều kiện để ổn định kinh tế và góp phần khống chế tình trạng tăng giá.” – TS. Lạng nói.

 

Cùng chung nhận định này, ông Phạm Minh Thụy - Trưởng phòng Phân tích Dự báo Giá cả Thị trường cho rằng, “6 tháng cuối năm, các giải pháp “kích cầu” của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng... sẽ góp phần làm giá hàng hóa tăng lên. Theo diễn biến mang tính quy luật ở Việt Nam nhiều năm qua, giá cả những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng mạnh hơn những tháng đầu năm. Do vậy, nhiều khả năng diễn biến giá cả những tháng cuối năm 2009 sẽ “nóng” hơn”.

 

Chính sách tiền tệ, tài chính đang được nới lỏng hơn, “nhưng cần có sự kiểm soát chặt chẽ, thận trọng theo biến động của thị trường trong nước và ngoài nước để chủ động ngăn chặn nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trở lại sau giai đoạn kích cầu” – ông Nguyễn Đức Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) cảnh báo.

 

Trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cá nhân (bộ phận trong tài khoản quốc gia) không những không tăng mà còn giảm tới 10% so với cùng kỳ năm 2008 mà tiêu dùng cá nhân thường xuyên chiếm tới 2/3 GDP trong khi GDP nửa đầu năm 2009 vẫn tăng 3,9%.

 

Vấn đề đáng chú ý là nếu tiêu dùng cá nhân giảm tới 10%, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng lại tăng tới 8,8%. Do đó, câu hỏi được đặt ra là phải chăng tiêu dùng nhà nước tăng vọt. “Điều này có liên quan tới tăng thâm hụt NSNN có thể tới 7-8% GDP nhưng lại không dành cho đầu tư mà lại dành cho chi tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là chính sách kích cầu tiêu dùng đã nghiêng về kích cầu tiêu dùng nhà nước, hay/và thay đổi hàng tồn kho trong GDP tăng vọt – con số này đã tăng cao từ 3,46% GDP năm 2006 lên 4,86% GDP năm 2007 và đến 5,13% GDP năm 2008, do đó, sẽ tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất kinh doanh của các DN vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.” – TS.Ánh phân tích. 

 

Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần xem xét lại định hướng gói kích thích kinh tế trị giá 8-9 tỷ USD đang tiến hành vì sẽ không hiệu quả nếu hỗ trợ kích thích các DN đẩy mạnh sản xuất nhưng lại không tiêu thụ đựơc mà chỉ làm tăng lượng hàng tồn kho.

 

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất - nhập khẩu. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam còn đáng lo ngại hơn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch XK hàng hóa chỉ đạt 27,6 tỷ USD, giảm tới 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch XK dịch vụ cũng giảm 25,7% (ước đạt 2,7 tỷ USD). Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng kim ngạch XK 3% cho cả năm 2009 là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang dần hồi phục, giá cả tăng theo. Do Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn các nguyên nhiên liệu cơ bản nên áp lực tăng giá trong nước do giá thế giới tăng vẫn rất nặng nề.

 

“Lạm phát ở Việt Nam một phần là do chi phí đẩy lên, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng từ 40 USD/thùng và có thể lên tới 75 USD/thùng. Sự tăng giá của loại vật tư chiến lược này thường làm tăng chi phí đầu vào của các mặt hàng khác tăng lên mà có thể thấy cước phí vận tải đang nhích dần lên” – phân tích của PGS.TS Nguyễn Thường Lạng./.

 

 

Theo VOV

Tệp đính kèm