Cập nhật: 19/07/2009 17:55:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tốc độ tăng giá cả và lạm phát nửa đầu năm 2009 và dự báo cả năm 2009 ở mức 1 con số là một trong những điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái, khiến nhiều ý kiến lạc quan rằng khả năng tái lạm phát đã và sẽ bị khống chế bởi một số tác động tích cực của nội tại nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng chỉ số giá (CPI) tăng 0,44%. Đây là mức tăng bình quân hàng tháng của CPI khá thấp khi so sánh với các năm trước.

 

Qua diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm, các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI cả năm 2009 sẽ khoảng 7%.

 

TS.Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả cho biết, áp lực của tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và sinh hoạt năm 2009 là có nhưng không tác động mạnh tới tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát do tâm lý xã hội đã khác nhiều so với năm 2007-2008, quan trọng hơn là áp lực tăng giá không được sự hỗ trợ của thị trường quốc tế (yếu tố bên ngoài) và được giảm áp thông qua cơ chế tự động điều tiết tiêu dùng của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

 

Bàn về áp lực tái lạm phát, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, mặc dù lạm phát có thể xảy ra, song khả năng này sẽ bị khống chế bởi một số tác động tích cực của nội tại nền kinh tế.

 

Trước hết, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu được giữ ổn định. Vụ Đông Xuân vừa qua được mùa và vụ Hè Thu tại phía Nam và phía Bắc dự kiến đạt sản lượng cao, sẽ tạo điều kiện để bình ổn giá lương thực.

 

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, các gói kích thích kinh tế sẽ tác động tích cực tới tổng cung và tổng cầu xã hội thông qua "bàn tay hữu hình của Nhà nước" theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng.

 

Bên cạnh đó, những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại được tài trợ từ gói kích cầu, nếu thực hiện hiệu quả sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội…

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tái diễn bất cứ lúc nào trong bối cảnh cung tiền ra thị trường tăng mạnh do nhiều quốc gia thực hiện các gói kích thích kinh tế. Theo diễn biến mang tính quy luật ở Việt Nam nhiều năm qua, giá cả những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng mạnh hơn những tháng đầu năm. Do vậy, nhiều khả năng diễn biến giá cả những tháng cuối năm 2009 sẽ “nóng” hơn”.

 

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) cho rằng, thực hiện kích cầu, một lượng tiền lớn được đưa ra trong những tháng gần đây và những tháng tiếp theo sẽ tạo áp lực đối với CPI.

 

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và kích cầu đầu tư tiêu dùng đã góp phần làm cho tín dụng tăng trở lại khá nhanh.

 

Ông Nguyễn Đức Thắng cảnh báo, sự nới lỏng là cần thiết, nhưng cần có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ, điều hành thận trọng theo diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới, để chủ động ngăn chặn lạm phát quay trở lại.

 

Theo bà Phan Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính-Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng, tín dụng tăng trưởng đến 17% trong 6 tháng đầu năm là kết quả của chính sách hỗ trợ lãi suất. Chính sách này sẽ còn tiếp tục đến hết năm 2009. Do đó, với độ trễ nhất định của chính sách này, nếu không có biện pháp như đảm bảo lượng tiền trong lưu thông ở mức phù hợp thì sẽ gây áp lực đến giá cả.

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song việc đưa ra những chính sách điều hành linh hoạt, thận trọng sẽ là một trong những yếu tố hiệu quả giúp ngăn ngừa lạm phát, hỗ trợ kinh tế phát triển hợp lý.

 

 

Theo Cổng TT Chính phủ

Tệp đính kèm