Mặc dù suy giảm kinh tế tại các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2009 có thể đẩy lùi phát triển tại những nước này, nhiều tổ chức quốc tế dự báo, kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong 1-2 năm tới.
Các chuyên gia nhận định, trong các tháng cuối năm 2009, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục xoay quanh mức đáy, sau đó sẽ có những bước chuyển tích cực vào đầu năm 2010 và các năm tiếp theo. Đà phục hồi của nền kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ và bất động sản của nước này. Thời gian tới, châu Á được đánh giá là phục hồi kinh tế sớm nhất, đặc biệt là Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc lên 7,2% trong năm 2009, cao hơn mức 6,5% được WB đưa ra cách đây 3 tháng.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế tại các khu vực còn lại của thế giới được dự báo sẽ khó phục hồi nhanh hơn do một số yếu tố sau: 1/Xuất khẩu vào Mỹ, EU sẽ không tăng nhanh trở lại, bởi người dân của những nước này đã tỏ ra rất dè dặt trong chi tiêu; mức độ cạnh tranh giữa các nước dựa vào xuất khẩu sẽ căng thẳng hơn và do đó, các biện pháp bảo hộ có chiều hướng tăng. 2/ Các nước phát triển rơi vào tình trạng thiếu vốn, trước mắt là trong năm 2010. 3/ Giá hàng hoá tăng cao do lạm phát tại Mỹ gia tăng và khả năng xuất hiện chu kỳ đầu cơ dầu thô, vàng và nguyên liệu khác sẽ gây lạm phát cao trên toàn cầu.
Theo dự báo, các gói kích thích kinh tế và chính sách tài chính - tiền tệ của chính phủ các nước sẽ phát huy tác dụng mạnh hơn vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát và thâm hụt ngân sách tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tăng mạnh do chính phủ các nước tiếp tục thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế.
Một số tổ chức quốc tế lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, mặc dù trao đổi thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm trong năm 2009 và đầu năm 2010 do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn chưa phục hồi, tín dụng thương mại giảm mạnh và nguy cơ bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, song thương mại toàn cầu sẽ phục hồi vào giữa năm 2010 khi đạt mức tăng trưởng 3,2% do sức cầu của nhiều nền kinh tế lớn sẽ tăng trở lại. Trong lĩnh vực đầu tư, tình trạng thiếu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước đang phát triển sẽ còn diễn ra, tăng trưởng của các nền kinh tế dựa chủ yếu vào FDI sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Theo ĐCSVN