Cập nhật: 01/08/2009 17:08:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong một bài thuyết trình tại bang Bắc Carolina ngày 29/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng nền kinh tế Mỹ” đã ngừng rơi tự do, thị trường đã tăng, hệ thống tài chính không còn bên bờ vực sụp đổ”, và “có thể thấy sự bắt đầu của giai đoạn cuối trong thời kỳ suy thoái”. 

Ông đã chứng minh nhận định của mình bằng những con số liên quan tới việc làm và kinh doanh nhà ở: số người mất việc làm hiện chỉ bằng một nửa so với tháng một khi ông lên nắm quyền và số nhà mới bán trong tháng 6 đã tăng 11% là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành đóng vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu...

 

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã nâng mức dự báo về nền kinh tế đầu tàu thế giới này sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2009.Ủy ban Tư vấn kinh tế thuộc Hiệp hội Ngân hàng Mỹ hy vọng hoạt động kinh tế tại Mỹ sẽ tăng 0,5% trong 6 tháng cuối năm 2009. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ủy ban này, Bruce Kasman, “kinh tế đã gia tăng nhưng chữa đã hết bệnh”.

 

Trong một tuyên bố khác, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria nói rằng sự hồi phục kinh tế trong nhóm 30 quốc gia thành viên của tổ chức sẽ bắt đầu từ cuối năm nay, trong đó Mỹ sẽ là nền kinh tế đầu tiên thoát khỏi vòng trì trệ.

 

Theo đó, FED cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay sẽ chỉ giảm từ 1%-1,5%, thấp hơn mức dự báo mà cơ quan này đưa ra vào tháng Tư là giảm từ 1,3-2%. Ngoài ra, FED cho biết các chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngân hàng đã điều chỉnh mức tăng trưởng dựa trên các số liệu mới đây của nền kinh tế Mỹ. Xét những diễn biến hoạt động trên thị trường từ đầu năm, chi tiêu của người tiêu dùng và thị trường nhà đất dường như đã ổn định, số lượng nhà mới bán ra bắt đầu tăng và mức giảm trong chi vốn không còn tồi tệ như trước. Hiện hoạt động kinh tế cũng đang trong quá trình tăng dần và thị trường tài chính đã có dấu hiệu cải thiện.

 

Ông Kasman, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng JP Morgan Chase, nói rằng hoạt động xây dựng nhà ở hồi phục sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng theo ông Kasman không nên quá lạc quan vì “những mầm xanh này không đủ mạnh để cân bằng thiệt hại xẩy ra trên thị trường lao động và nền tài chính công”. Còn các nhà hoạch định chính sách của FED cũng dự báo trong năm 2009 tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ lên tới mức đỉnh, từ 9,8% đến 10,1%, cao hơn mức dự báo từ 9,2% đến 9,6% hồi tháng tư vừa qua. Tỷ lệ này sẽ giảm nhẹ vào năm 2010 và có thể đứng ở mức từ 8,4%-8,8% vào năm 2011- vốn là mức thất nghiệp cao nhất kể từ năm 1983.

 

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cùng êkip của Tổng thống Barack Obama trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ muốn giải quyết nạn thất nghiệp bằng một phương thuốc thần kỳ thông qua một “hỗn hợp” các chính sách tiền tệ, tài chính phi chính thống, mà bỏ qua những chính sách chú trọng vào nguồn cung cấp có thể giúp làm giảm phụ thuộc vào nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp khá nặng nề như vậy, ông Kasman nhận định phải sang giữa năm 2010, tăng trưởng kinh tế Mỹ mới có thể liên tục.

 

Cùng ngày, báo “Slate” cũng đã đăng tải bài nhận định của nhà kinh tế học Daniel Gross, cho rằng kinh tế Mỹ có thể đã qua thời kỳ suy thoái.Theo ông Groos, hai trong số các tổ chức dự báo kinh tế có uy tín là Macroeconomic Advisers và Viện Nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI) đều nhận định dù sao, nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể đã vượt “bão” tài chính.

 

Macroeconomic Advisers, chuyên đưa ra chỉ số GDP hàng tháng, vừa thông báo GDP của Mỹ sẽ tăng 2,4% trong quý III/2009 bất chấp việc giảm 0,1% trong quý II/2009. Trong khi đó, ECRI, chuyên nghiên cứu chu kỳ kinh tế trong nhiều thập kỷ qua và là một trong số ít tổ chức dự báo chính xác hai lần suy thoái gần đây nhất, cũng đồng tình với đánh giá này. Theo ECRI, “suy thoái kinh tế sẽ kết thúc vào một thời điểm nào đó trong mùa Hè này” và thậm chí có thể đã kết thúc.

 

ECRI cho biết, chỉ số kinh tế dài hạn đã bắt đầu nhích lên từ tháng 11/2008, chỉ số kinh tế hàng tuần phục hồi từ tháng 12/2008 và chỉ số kinh tế ngắn hạn thì cũng đã chạm đáy tháng 2/2009. Đến tháng 4/2009, cả ba chỉ số này đều bắt đầu ổn định. Theo ECRI, mặc dù thất nghiệp là một chỉ số quan trọng, nhưng nó không quyết định sự phục hồi hay suy thoái của nền kinh tế, nói cách khác, thất nghiệp không đi cùng với các chỉ số kinh tế hàng đầu. ECRI cho rằng, nếu dự báo của họ đúng thì thị trường lao động có thể bắt đầu được cải thiện từ cuối năm nay.

 

Nhiều người vẫn còn nghi ngờ điều này, một phần vẫn còn quá nhiều dấu hiệu bi quan, đặc biệt là lợi nhuận của các công ty. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ nói lên kết quả kinh doanh mới nhất, chứ không phải triển vọng của nó. Những chỉ số dao động theo thị trường nhiều nhất thường là những chỉ số ngắn hạn và đi chậm hơn so với sự phát triển của kinh tế.

 

Giám đốc điều hành của ECRI Lakshman Achuthan cho biết, sau thời kỳ suy thoái 2001, khu vực dịch vụ đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhưng do hàng triệu lao động trong khu vực chế tạo bị mất việc trước đó nên giai đoạn trì trệ của thị trường lao động kéo dài hơn hai năm sau. Tình hình đó sẽ lặp lại trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, thất nghiệp là chỉ số quan trọng, nhưng nó không quyết định sự phục hồi hay suy thoái của nền kinh tế. Thất nghiệp không đi cùng với các chỉ số kinh tế hàng đầu.

 

 

Theo Đắc Hanh – Báo điện tử Công thương

Tệp đính kèm