Thị trường ôtô đang lên cơn sốt nóng, khi số khách hàng phải xếp hàng đợi mua được xe đã lên đến gần cả chục ngàn lượt. Thị trường ôtô VN trong nửa đầu năm 2009 diễn biến phức tạp không kém gì thị trường chứng khoán.
Diễn biến khó lường...
Cuối năm 2008, hầu hết các dự báo đều bi quan cho rằng doanh số thị trường sẽ sụt giảm khoảng 20% vào năm 2009.
Dự báo tưởng như đã đúng khi doanh số bán hàng của các DN trong Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) rơi từ 9.293 chiếc vào tháng 12/2008 xuống 3.914 chiếc vào tháng 1/2009 - giảm đến 58%. Các liên doanh kêu trời.
Thế nhưng ngay tháng liền sau đó-tháng 2, doanh số lại tăng lên 6.635 chiếc, từ đây bắt đầu thiết lập diễn biến thị trường theo đồ thị hình sin, dao động liên tục và khó đoán định: Tháng 3 tăng tiếp lên 11.029 chiếc, đến tháng 4 lại giảm xuống còn 7.711 chiếc, sang tháng 5 tăng trở lại lên 8.761 chiếc...
Diễn biến khó lường trên có nguyên nhân sâu xa từ chính sách thuế. Tháng 1.2009 bắt đầu áp dụng mức thuế trước bạ mới 10% (riêng Hà Nội là 12%) khiến cho lượng xe tiêu thụ giảm hẳn. Nhưng sau đó, Chính phủ giảm 50% thuế trước bạ và thuế VAT tới hết năm để kích cầu thì doanh số tăng trở lại.
Doanh số của VAMA cao nhất vào tháng 3, với tỉ trọng đóng góp đến hơn 40% là xe hai cầu/xe đa dụng (SUV/MPV). Nhưng từ tháng 4 trở đi, vì Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi điều chỉnh tăng đối với ôtô từ 6-9 chỗ ngồi, nên tỉ trọng của xe SUV/MPV liên tục giảm mạnh.
Tháng 6/2009, doanh số bán hàng của VAMA tăng tháng thứ hai liên tiếp (9.699 chiếc), nhưng doanh số của xe SUV/MPV vẫn giảm mạnh 37%.
Người tiêu dùng càng thiệt
Đến lúc này, thị trường không chỉ có xu hướng tăng mà còn đang sốt. Một số phân tích cho rằng, người tiêu dùng (NTD) lại, có xu hướng mua xe để tránh thuế, vì e rằng sang năm 2010 kinh tế ổn định trở lại Chính phủ sẽ không tiếp tục giảm 50% thuế VAT và phí trước bạ. Tuy nhiên, phân tích này chưa cho thấy được toàn cục thị trường và nhu cầu.
Với một đất nước hơn 85 triệu dân, kinh tế trong hàng chục năm qua liên tục tăng trưởng cao, lượng xe/đầu người còn quá thấp, tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Nói cách khác, nhu cầu vẫn còn đó và thậm chí luôn có xu hướng tăng, nhưng cách điều hành chính sách nhiều lúc thiếu nhất quán, cùng với những vấn đề đô thị (ùn tắc giao thông, thiếu bãi đậu xe, xây dựng lấn chiếm, chật hẹp...) đã khiến người dân phải bóp lại nhu cầu mua sắm ôtô.
Trong cơn sốt xe ôtô đang diễn ra đối với một số mẫu xe của Toyota, Ford, Honda, Vidamco..., NTD phải chờ nhiều tháng mới nhận được xe. Đứng đầu là Toyota, số khách hàng chờ được cho rằng hơn 5.000 lượt. Muốn lấy xe sớm, khách hàng phải chi thêm chí ít từ 5-10% so với giá gốc.
Các hãng lý giải sự "ùn tắc" này do dự báo từ cuối năm 2008 dẫn đến kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 10-20% trong năm nay. Giờ nhu cầu tăng đột biến các hãng trở tay không kịp, bởi hạn chế không chỉ là công suất lắp ráp, mà còn phụ thuộc vào đơn đặt hàng linh phụ kiện đã gút lại từ trước với các đối tác không dễ tăng lên trong một sớm một chiều.
Mọi lý giải nghe đều có vẻ hợp lý và cuối cùng, NTD phải gánh phần "lỗi" vì đã để phát sinh nhu cầu tăng đột biến (!). Trong khi doanh số bán hàng của VAMA tháng 6 mới tăng khoảng 10% so với tháng 5, nhưng sang tháng 7 đã sốt nóng.
Thị trường đang sốt trên một sự thiếu ổn định, bắt nguồn sâu xa từ cách điều hành chính sách. Sự thiếu ổn định càng kéo dài, càng trầm trọng thì NTD càng thiệt thòi nặng.
Cơn sốt xếp hàng mua ôtô hiện nay đang trở lại với "kịch bản" cũ giữa năm 2007. Khi đó các hãng đã "nợ" khách hàng hơn 10.000 chiếc, và NTD cũng phải móc thêm từ hầu bao nếu muốn được nhận xe sớm.
Theo Thẩm Hồng Thụy -LĐ Online