Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2008 đầu năm 2009, nhiều doanh nghiệp phải đương đầu với việc giảm nhân lực vì thiếu việc làm, giảm ca hoặc cho người lao động nghỉ luân phiên, thậm chí đóng cửa một bộ phận dây chuyền sản xuất.
Nhưng thời gian gần đây, khi đơn hàng phục hồi, các doanh nghiệp muốn tuyển dụng thì lại gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ thiếu lao động đang gia tăng tại nhiều doanh nghiệp.
Theo Bản báo cáo thông số nhân lực trực tuyến quý 2/2009 của VietnamWork.com, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến của 34 ngành nghề trong tổng số 50 ngành nghề trong quý 2/2009 tăng 36,8% so với quý 1/2009.
Quý 1 năm 2009, nền kinh tế Việt Nam bị tác động trực tiếp của khủng hoảng toàn cầu đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp lại lao động, như: Cty da giầy Hải Phòng đã giải thể XN giày Hoa Kiên, cả một dây chuyền ở XN Khải Hoàn Môn và toàn bộ XN Huajian với khoảng 600 lao động, các XN khác cũng thực hiện nghỉ luân phiên nhiều kỳ. Hầu hết, các Cty trong KCN Nomura giảm biên chế 30% số lượng lao động.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có tác động mạnh tới thị trường lao động. Ở nước ta có khoảng 300.000 công nhân bị mất việc làm. Riêng ở Hải Phòng thì ngành da giầy, dệt may, sản xuất linh kiện điện tử trong các KCN tỷ lệ lao động mất việc chiếm một tỉ lệ rất lớn. Thành phố hiện có trên dưới 15.000 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 40 vạn lao động, ngành da giầy, dệt may, KCN chỉ có hơn trăm doanh nghiệp nhưng sử dụng trên 50% số lao động công nghiệp toàn thành phố.
Tuy nhiên, do những nỗ lực của chính phủ các nước và gói kích cầu trong nước đang bước đầu phát huy tác dụng nên từ đầu tháng 6 đến nay, các đơn hàng mới được khởi động, nhu cầu sử dụng lao động của nhiều công ty lại tăng trở lại. Được biết, Cty da giầy hiện cần khoảng 8.000, nhưng số lao động thực tế chỉ được hơn 7.000 người; các KCN cần khoảng 3.000 – 5.000 người, trong khi đó số lượng tuyển lại được khoảng 40%.
Tại TP. Hồ Chí Minh Bà Đoàn Thị Thu Hà, trưởng phòng lao động – tiền lương thuộc Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) cũng cho biết: Từ tháng 4, tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp có đơn hàng giảm từ 20 – 60% thì nay lượng đơn hàng đã tăng, các doanh nghiệp cuối năm 2008 cắt giảm nhiều lao động như Nissei, Nidec Copal, FAPV… thì nay lại có nhu cầu tuyển dụng trở lại. Hiện nay, trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có tới 40 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển khoảng 11.800 lao động.
Ngành dệt may thời gian vừa qua cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác đến hết năm 2009, nhưng sức ép do tình trạng thiếu công nhân và cán bộ kỹ thuật khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ông Lê Văn Đạo - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, tình trạng thiếu lao động đang rất phổ biến ở nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM. Theo ông Nguyễn Văn Đô - Tổng Giám đốc Cty DHA, DHA là Cty chuyên may gia công quần áo cho trẻ em và người lớn theo đơn hàng từ các nhà bán lẻ Hoa Kỳ. Hiện, Cty có đơn hàng đến hết quý ba năm 2009. Nhưng do khó khăn về nhân công, Cty thường xuyên đối mặt với nguy cơ chậm đơn hàng.
Mặc dù các công ty đưa ra mức lương và chế độ ưu đãi hấp dẫn để thu hút nguồn lao động nhưng vẫn chưa làm cho tình hình khả quan hơn được. Trong KCN Nomura đăng băng rôn tuyển người với chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn nhưng vẫn thiếu trầm trọng; Cty may Liên Doanh ở phường Anh Dũng (Dương Kinh), nay chuyển thành 100% vốn nước ngoài và đổi tên là Cty Yen of London, mức thu nhập bình quân khoảng 1,9 triệu đồng/ người/ tháng, đăng tuyển lao động liên tục mà vẫn thiếu hơn 200 người, số lao động đang có chỉ gần 1.000 người. Vừa qua do sợ thiếu lao động nên vừa qua Cty đã phải chuyển 4 dây chuyền sản xuất vào phía Nam; Cty may Việt Hàn (100% vốn nước ngoài); Cty cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng; Sinjobo; Thiên Nam… cũng đôn đáo khắp nơi tìm lao động.
Khó khăn về việc thiếu lao động tại các doanh nghiệp nếu nhìn theo một chiều hướng khác thì đây lại là tin vui, báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc nâng cao chất lượng lao động, thực hiện các chế độ chính sách cũng như quản lý lao động như thế nào để tránh bị chảy máu nguồn nhân lực là điều vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng. Việc thiếu nguồn lao động cũng đã tạo ra một tiền lệ xấu trong việc tuyển chọn lao động, đó là phát sinh hiện tượng DN đưa ra các thông tin tuyển chọn hấp dẫn, trong đó nêu về điều kiện thu nhập cao khác thường ở một số thị trường, khiến một số lao động đã đăng ký với doanh nghiệp khác phá hợp đồng để chạy theo các hợp đồng có nhiều lợi thế hơn.
Báo điện tử ĐCSVN